Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; EVN xin ý kiến nghiên cứu lựa chọn phương án tối ưu đầu tư xây cảng trung chuyển than khu vực ĐBSCL. Để có đủ cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, Văn phòng Chính phủ đề nghị các Bộ nêu ý kiến bằng văn bản về đề nghị của Bộ Công Thương đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ. Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu lựa chọn phương án tối ưu đầu tư xây dựng cảng trung chuyển than khu vực ĐBSCL, Bộ Công Thương đã nêu rõ: Theo kết quả cân đối cung-cầu than hiện nay, giai đoạn đến năm 2030, khối lượng than nhập khẩu để đáp ứng cho nhu cầu của các hộ tiêu thụ trong nước ngày càng tăng, đặc biệt là cho sản xuất điện (chiếm từ 60-85% tổng khối lượng than nhập khẩu). Dự báo, khối lượng than nhập khẩu cho sản xuất điện năm 2020 khoảng 21 triệu tấn, năm 2020 khoảng 65 triệu tấn và năm 2030 khoảng trên 110 triệu tấn. Khối lượng than nhập khẩu cho sản xuất điện chủ yếu tập trung để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện khu vực phía Nam. Trong đó, các Tập đoàn gồm: EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), TKV… sẽ là những đơn vị có nhu cầu nhập khẩu than và sử dụng than nhập khẩu cho sản xuất điện lớn, đặc biệt là EVN. “EVN là tập đoàn kinh tế 100% vốn nhà nước. Sản lượng điện sản xuất hiện chiếm đến 40% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống, có kinh nghiệm trong việc thực hiện đầu tư xây dựng nhiều cảng than thuộc các trung tâm nhiệt điện lớn (Duyên Hải, Vĩnh Tân…) và đã tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đê chắn sóng phía Bắc của cảng than thuộc trung tâm nhiệt điện Duyên Hải”, Bộ Công Thương đánh giá. Để đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng phục vụ công tác nhập khẩu than, đảm bảo hiệu quả chung trong việc nhập khẩu, trung chuyển, cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực phía Nam, theo Bộ Công Thương, việc đầu tư xây dựng cảng tập trung để trung chuyển, cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực ĐBSCL là cần thiết. Vì vậy, Bộ này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao EVN kế thừa các kết quả nghiên cứu trước đây của TKV, chủ trì tổ chức nghiên cứu lựa chọn phương án tối ưu để đầu tư xây dựng cảng trung chuyển than khu vực ĐBSCL, trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Giao Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét phê duyệt Đề cương-Dự toán chi phí để EVN tổ chức nghiên cứu lựa chọn phương án tối ưu đầu tư xây dựng cảng trung chuyển than khu vực ĐBSCL.
|