(CMO) Thời gian qua, công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn được TP Cà Mau quan tâm. Ðặc biệt là tại các điểm chợ, lực lượng chức năng thường xuyên ra quân tuần tra, nhắc nhở người dân đảm bảo vệ sinh mua bán, không lấn chiếm lòng, lề đường. Tuy nhiên, nỗ lực đó cũng chỉ giải quyết được tạm thời, một thời gian ngắn rồi cũng tái diễn.Phường 7 là phường trọng điểm của TP Cà Mau, tập trung nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị; các cơ sở mua bán lớn, nhỏ… Chợ Phường 7 là chợ đầu mối của thành phố, tiểu thương mua bán rất đông, đặc biệt vào dịp lễ, Tết, các ngày lễ lớn trong năm thì hàng hoá tập trung rất nhiều, giao thương buôn bán nhộn nhịp, kéo theo vấn đề vệ sinh khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Hữu Tính, Phó chủ tịch UBND Phường 7, cho biết: “Tại khu vực Tượng đài thường xuyên có nhiều người đến đậu xe, buôn bán thức ăn, hàng hoá… Phường đã nhiều lần kết hợp với lực lượng bảo vệ dân phố, công an phường để xử lý, tránh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường”. Nằm trên địa bàn Phường 7, Công ty CP Dịch vụ thương mại Cà Mau có 3 khu: chợ bách hoá, chợ rau củ quả và chợ trái cây. Lấn chiếm lòng lề đường diễn ra thường xuyên ở chợ trái cây và chợ rau củ quả, đặc biệt là các giờ cao điểm. Theo UBND Phường 7, xử phạt vi phạm hành chính về trật tự mua bán, mức phạt dao động từ 1-2 triệu đồng, nhưng vì muốn tạo điều kiện cho bà con buôn bán thuận lợi nên việc xử phạt rất ít, chủ yếu là phối hợp với Ban Quản lý chợ đi tuần tra, nhắc nhở. Theo ông Nguyễn Thanh Nguyên, Trưởng Công an Phường 7: “Các xe bán hàng rong đậu ở khu vực cấm trước đây chỉ phạt 150 ngàn đồng, hiện nay mức phạt đã tăng nên tình hình rất ít tái diễn. Bình quân mỗi ngày lực lượng của phường phối hợp với Ban Quản lý chợ Phường 7 ra quân khoảng 4 lần; những dịp lễ, Tết hoặc ngày cuối tuần thì tăng cường xuyên suốt, đảm bảo an toàn trật tự mua bán tại khu vực chợ. Bên cạnh đó, chỉ đạo các khóm ra quân làm vệ sinh trên khu phố mình sinh sống, thu gom rác, làm cỏ…”. Chợ Phường 4 được xây dựng mới cách đây không bao lâu, lúc đầu có nhiều tiểu thương vào bán nhưng thời gian gần đây do lượng khách rất ít, chỗ nơi không quen thuộc nên họ dồn về chợ cũ để buôn bán, làm tập trung nhiều tiểu thương, sầm uất và đông đúc. Khi tuyến đường Lâm Thành Mậu được xây dựng thì nơi này không còn gọi là chợ nữa mà gọi là nơi kinh doanh, buôn bán và tạo vỉa hè cho người đi bộ nhưng do ý thức người dân thì giờ đã thành chợ tự phát. Ông Lữ Văn Quynh, Ban Quản lý chợ Phường 4, chia sẻ: “Bà con có mớ rau, con cá cũng mang ra đây, ngồi ngay mặt đường để bán. Mỗi khi có lực lượng tuần ra thì đỡ, còn không là họ buôn bán lấn chiếm liên tục, làm cản trở lưu lượng xe khu vực chợ”. Theo quy định, phía mé sông vô khoảng 1 m, còn phía đường (trên bờ) thì vô 3 m để đảm bảo vỉa hè cho người dân đi lại an toàn. Ông Ngô Văn Uy Vũ, Phó chủ tịch UBND Phường 4, phân trần: “Hiện nay khu chợ Phường 4 mới hơi vắng, thời gian tới khi dân cư đông đúc thì chợ sẽ sôi động hơn. UBND phường luôn hỗ trợ hết mình cho tiểu thương vào bán, từ điện, nước đến mặt bằng, công tác phòng cháy chữa cháy… để chợ ngày càng đông hơn. Riêng tại khu vực chợ tự phát (chợ cũ), không chỉ xử phạt những tiểu thương mua bán mà còn xử phạt luôn cả người mua đậu xe không đúng quy định, để người dân ngày càng nâng cao ý thức”. Xử phạt, cưỡng chế chỉ là biện pháp mang tính tạm thời, về lâu về dài thì ý thức người dân vẫn là trên hết. Thế nên, câu chuyện về lòng đường, đô thị, chợ... giờ đây vẫn chưa có hồi kết./.
Phạm Nhật Minh
|