Ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai (PCTT-Bộ NN&PTNT) khẳng định, việc cấp phù hiệu xe hộ đê hoàn toàn đúng quy định, được kiểm soát chặt chẽ và không có tiêu cực. Thời gian qua, nhiều xe của doanh nghiệp, xe tư nhân, thậm chí xe siêu sang như Cadillac, Lexus...được hô biến thành “xe hộ đê”, vô tư hưởng ưu tiên, không mua phí cầu, đường, bon bon đi đường cấm…khiến thất thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm và đang gây bức xúc trong dư luận. Thống kê của Công ty Quản lý và khai thác đường ô tô cao tốc cho thấy, chỉ tính riêng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng năm 2016, có 37.538 lượt, năm 2017 có 25.103 lượt, riêng 8 tháng đầu năm 2018 có 4.294 lượt xe hộ đê chạy trên cao tốc. Thực tế trên khiến dư luận dấy lên câu hỏi, việc cấp phù hiệu xe hộ đê đang được thực hiện như thế nào, có hay không tiêu cực trong quá trình cấp phù hiệu? Làm việc với phóng viên, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT khẳng định, việc cấp phù hiệu xe hộ đê hoàn toàn theo đúng quy định, kiểm soát chặt chẽ và không có tiêu cực. “Tôi khẳng định, không có chuyện tiêu cực trong việc cấp biển xe hộ đê”, ông Hoài nói. Theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Tổng cục PCTT quản lý việc cấp phát phù hiệu xe hộ đê một cách chặt chẽ, yêu cầu sử dụng đúng mục đích. Trên biển hiệu xe hộ đê ghi rõ “Chỉ sử dụng trong khi thi hành nhiệm vụ”. Biển hiệu cũng được dán tem chống giả, thay đổi mẫu mã hàng năm. “Hiện có nhiều ý kiến phản ánh việc một số xe dùng biển hộ đê không đúng mục đích, sử dụng cả lúc không làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, thậm chí một số xe bị phát hiện đã sử dụng biển hộ đê giả. Tổng cục Phòng chống Thiên tai đã kiểm tra. Kết quả kiểm tra xác nhận, các biển số xe 30E-558.19, 30E-850.86, 14A-048.67, 15A-154.68, 15A-326.89, 29D-307.95 29U-5069 mà báo chí phản ánh không được cấp biển xe hộ đê mà treo biển giả”, ông Hoài cho biết. Còn ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai - Tổng cục Phòng chống Thiên tai cho biết, hiện mới có 568 xe được cấp phù hiệu xe hộ đê trên tổng số 858 xe đề nghị được cấp. Theo ông Quang, quy định cấp phù hiệu xe hộ đê rất chặt chẽ, cơ quan chức năng cũng đã thực hiện nghiêm túc hoạt động này. Tuy nhiên, ông Quang cũng thừa nhận, thời gian vừa qua đã phát hiện hiện tượng xe hộ đê sử dụng không đúng mục đích; xe sử dụng biển hết thời hạn, biển giả. "Kết quả rà soát ban đầu phát hiện 1 xe mang phù hiệu hộ đê của BQL Thủy điện Sơn La, được cấp trong thời gian từ 2006-2007. Khi hết thời hạn, đơn vị này không xin cấp thêm nhưng đã chuyển cho đơn vị khác sử dụng. Sau khi phát hiện, EVN đã có văn bản yêu cầu thu hồi tiêu hủy biển xe này", ông Quang dẫn chứng. Trước tình trạng trên, ông Quang cho biết Tổng cục PCTT đang đề nghị bổ sung quy định quản lý cấp phù hiệu xe hộ đê để siết chặt hoạt động này. “Trong danh sách đề nghị cấp biển ưu tiên của các ban ngành, phải yêu cầu kèm theo lý lịch xe, nói rõ cấp cho xe biển xanh hay biển trắng; chức danh nghiệp vụ của cá nhân sử dụng…Bên cạnh đó đề nghị tăng cường phối hợp với bộ ngành địa phương liên quan nhằm phát hiện và xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân vi phạm”, ông Quang cho biết. Trường hợp phát hiện biển xe hộ đê giả hoặc sử dụng không đúng mục đích, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị thông báo đến các cơ quan chức năng để thu hồi và xử lý nghiêm. Gửi danh sách sang Bộ Công an đề nghị xử lý Ông Trần Quang Hoài cho biết, đơn vị này đã gửi danh sách các xe hộ đê nghi vấn biển giả, hoạt động sai phạm, không đúng nhiệm vụ sang Bộ Công an để xác minh và xử lý. Kết quả xác minh khi nào có sẽ sớm được công khai. “Có hai hiện tượng cần xử lý ngay gồm: Xe sử dụng phù hiệu cũ hết hạn; phù hiệu giả, thậm chí có xe còn làm giả công văn, con dấu, chữ ký. Để đối phó với hiện tượng này, hàng năm Tổng cục phải thay đổi mẫu phù hiệu, có dán tem chống giả. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn nhấn mạnh xe hộ đê chỉ được ưu tiên và sử dụng khi làm nhiệm vụ, chứ không thể cứ trình biển là được miễn thu phí. Do đó, cơ quan kiểm soát tại trạm thu phí cần làm chặt hơn nữa”, ông Hoài nói. Liên quan tình trạng cấp biển xe hộ đê tràn lan tại các địa phương, như VOV.VN đã phản ánh, cá biệt tại Hải Dương đã cấp cho 250 xe (trong khi cấp Trung ương cấp 568 xe), ông Hoài khẳng định: “Người cấp phát biển phải chịu trách nhiệm về việc thực thi nghĩa vụ của mình. Tổng cục cũng đã có văn bản yêu cầu tất cả các địa phương lập danh sách xe mang biển hộ đê đã cấp, đồng thời nhắc nhở thực hiện nghiêm hoạt động này". Được biết trong tuần tới, Hải Dương sẽ có văn bản giải trình về việc cấp phù hiệu xe hộ đê. Cũng theo ông Hoài, Tổng cục PCTT đã gửi danh sách xe hộ đê do đơn vị này cấp, sang Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) để phối hợp giám sát quản lý. Tổng cục PCTT đề nghị, các trạm thu phí BOT cần thiết có thể truy xuất danh sách “xe hộ đê” trong cổng của Tổng cục PCTT. “Trong trường hợp thấy nghi ngờ, có thể phối hợp kiểm tra, nếu là biển “xe hộ đê” giả thì cầm báo ngay công an để xử lý tội làm giả con dấu, chữ ký của nhà nước. Trường hợp nữa là một số xe của địa phương đeo biển “xe hộ đê” thì cũng cần phải kiểm tra xem có lệnh điều động sang địa phương khác làm nhiệm vụ hay không. Không thể “xe hộ đê” của địa phương này cứ chạy sang các địa phương khác và ngược lại”, ông Hoài đề nghị. Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhìn nhận: "Việc một số địa phương cấp số lượng quá lớn biển xe hộ đê là không bình thường. Bộ đã yêu cầu các địa phương rà lại và báo cáo sớm. Theo đó ai sai sẽ phải xử lý"./. |