Được tổ chức hai năm một lần, Diễn đàn Đô thị thế giới là một hội nghị lớn của Liên hợp quốc (LHQ) về phát triển đô thị bền vững, được thành lập hồi năm 2001 nhằm giải quyết vấn đề đô thị hóa toàn cầu, một trong những vấn đề cấp bách nhất mà thế giới đang phải đối mặt ngày nay. Diễn đàn này đã hỗ trợ Chương trình Định cư con người LHQ (UN-Habitat), thu thập thông tin về các trường hợp và xu hướng, đồng thời xây dựng quan hệ đối tác và liên minh để hỗ trợ công việc và tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhà ở toàn cầu, cũng như các cuộc khủng hoảng lớn như biến đổi khí hậu, xung đột và đói nghèo. Ngày nay, khoảng 50% dân số toàn cầu sống ở các thành phố, và con số này được dự báo sẽ tăng lên 70% vào năm 2050. Việc di chuyển đến các trung tâm đô thị đang có tác động lớn đến các cộng đồng, thành phố, nền kinh tế, biến đổi khí hậu và chính sách. Trong đó, phần lớn mức tăng này sẽ diễn ra ở châu Phi, nơi dân số dự kiến tăng gần gấp đôi trong 30 năm tới. Cairo, cùng với một số thành phố ở châu Phi có khả năng trở thành một trong những trung tâm đô thị lớn nhất thế giới, nơi sinh sống của hơn 10 triệu người vào năm 2035. Trả lời phỏng vấn trên Tờ UN News, bà Anacláudia Rossbach, Giám đốc Điều hành của UN-Habitat khẳng định: “Mục tiêu của Diễn đàn Đô thị thế giới là thúc đẩy sự hợp tác và phối hợp giữa các bên tham gia vào việc thúc đẩy và thực hiện phát triển đô thị bền vững”. Diễn đàn năm nay nhấn mạnh, các giải pháp phải bắt đầu từ nơi mọi người sinh sống, làm việc và xây dựng cuộc sống, tập trung vào các hành động tại địa phương để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở toàn cầu, vốn đang trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu và bất bình đẳng ngày càng tăng. “Bằng cách đưa cuộc thảo luận đến gần hơn với thực tế và tập trung vào các hành động tại địa phương, chúng tôi mong muốn chuyển mục tiêu toàn cầu thành những tiến triển hữu hình trong cuộc sống của mọi người. Diễn đàn sẽ đóng vai trò là nền tảng để thảo luận và học hỏi từ các sáng kiến thành công tại địa phương, đảm bảo tiến bộ đạt được tại một thành phố có thể truyền cảm hứng và tạo ra những nỗ lực tương tự ở những nơi khác”, bà Anacláudia Rossbach nói thêm. Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ tìm hiểu về giải pháp mà các nhà quy hoạch đô thị và chính quyền đang giúp các thành phố bền vững hơn, chẳng hạn như phát triển những không gian xanh, công viên và rừng đô thị, giúp giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, cải thiện chất lượng không khí và tăng cường đa dạng sinh học. |