游客发表
发帖时间:2025-01-27 00:28:08
"Con đường" mua bán lòng vòng để nâng khống giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. N.Hiền |
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Bùi Thế Nghiệp (nguyên định giá viên Công ty TrustAsset) cho biết, bị cáo được Nguyễn Công Tụ (nguyên Giám đốc Công ty TrustAsset) giao cho thẩm định căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Tuy nhiên, bị cáo chỉ có bằng định giá không có bằng thẩm định giá.
Nghiệp khai bản thân biết việc mình chỉ có thẻ định giá mà lại ra chứng thư thẩm định là sai và có báo cáo với giám đốc nhưng giám đốc nói biểu mẫu đã làm sẵn, và chỉ đạo bị cáo cứ làm theo nghiệp vụ.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Công Tụ khai, khi thực hiện chứng thư thẩm định căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, bị cáo có sự hiểu lầm về chức năng giữa bản định giá và thẩm định giá. Bị cáo biết là theo pháp luật là sai nhưng bị cáo không cố ý.
Bị cáo Tụ cũng khai rằng bản thân đã không nhận được báo cáo của Nghiệp về vấn đề biểu mẫu thẩm định giá. Bị cáo cũng không chỉ đạo bị cáo Nghiệp.
Bị cáo Lâm Hồng Trinh (nguyên thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Trustbank) khai, khi xem hồ sơ bị cáo thấy có sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước, có sự thẩm định giá và có nghị quyết của HĐQT, ngoài ra tất cả thành viên khác đều đã ký chỉ còn mỗi bị cáo chưa ký. Do nhận thức kém nên bị cáo mới ký theo.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Hoàng Văn Toàn (Nguyên Chủ tịch HĐQT Trustbank) cho biết, bà Phấn giữ cổ phần lớn nhất của ngân hàng nên bị cáo gọi bà là chủ... Do là cổ đông lớn nên cũng có áp lực về việc mua trụ sở Ngân hàng. Bị cáo Toàn khai do không hề có chuyên môn về thẩm định giá và phương pháp so sánh “giá trị thặng dư”. Khi xem hồ sơ, bị cáo tin tưởng tuyệt đối vào bà Phấn khi mua căn nhà số 5 nên bản thân đã không đặt nặng vấn đề chứng thư.
Bị cáo Trần Sơn Nam cũng cho biết, khi nhận hồ sơ mua bán căn nhà bị cáo chỉ xem qua kết quả định giá căn nhà chứ không xem kỹ chứng thư.
“Bị cáo tin vào kết quả thẩm định giá và bị cáo có so sánh với giá trước đây thì thấy cũng hợp lý. Thời điểm đó bị cáo không nghĩ là nâng khống. Sự việc này xảy ra là do bị cáo chủ quan chứ bị cáo không hề mong muốn”, bị cáo Nam trình bày.
Bị cáo Nam cho biết, về số tiền mua căn nhà, từ khi mua cho đến khi bàn giao lại cho Ngân hàng Xây dựng, không có trường hợp nào khách hàng đến ngân hàng rút tiền mà ngân hàng không có tiền trả. Theo bị cáo Nam, tiền mua nhà là tiền tại ngân hàng chứ không phải tiền của khách hàng.
Theo cáo trạng, thông qua các công ty do Hứa Thị Phấn thành lập và cá nhân có quan hệ họ hàng hoặc nhân viên dưới quyền, Hứa Thị Phấn đứng tên mua 26 bất động sản, rồi dùng thủ đoạn mua đi bán lại các bất động sản trong nhóm để nâng khống giá trị bất động sản.
Sau đó, bị cáo Phấn dùng ảnh hưởng của mình, chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín định giá không cao gấp từ 2 đến 8 lần giá thị trường; chỉ đạo HĐQT và ban điều hành Trustbank mua 26 bất động sản, với tổng giá trị 3.580 tỷ đồng (tương ứng 119% vốn điều lệ Trustbank), để bị cáo Phấn rút tiền và chiếm đoạt của Trustbank. Trong khi Trustbank đã vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định, dẫn đến 15/26 bất động sản đầu tư với tổng giá trị 2.424 tỷ đồng/3.580 tỷ đồng, đến nay chưa thể hạch toán vào tài sản cố định của ngân hàng.
Theo kết quả định giá thời điểm tháng 9/2014, 26 bất động sản này có tổng trị giá 1.369 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Trustbank 2.129 tỷ đồng. Trong 26 bất động sản trên, đã điều tra làm rõ bị cáo Hứa Thị Phấn có hành vi và các thủ đoạn mua bán lòng vòng, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Trustbank, chiếm đoạt của ngân hàng 1.105 tỷ đồng.
Cụ thể, Hứa Thị Phấn đã thông qua Lâm Kim Dũng (Nguyên Giám đốc Công ty Địa ốc Lam Giang), Bùi Thị Kim Loan (Nguyên Kế toán Công ty Phú Mỹ), Ngô Kim Huệ (Nguyên Phó Tổng giám đốc Trustbank, giám đốc Công ty Phú Mỹ), chỉ đạo Công ty TrustAsset của Trustbank (công ty không có chức năng thẩm định giá) tiến hành thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của bị cáo Phấn lên 1.268 tỷ đồng, cao gấp hơn 8 lần giá trị trường (theo kết quả định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng TP.HCM xác định giá thị trường thời điểm tháng 2/2012 là 154 tỷ đồng).
Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo Lâm Kim Dũng mua bán lòng vòng, lấy tiền ra sử dụng, sau đó chỉ đạo HĐQT và ban điều hành Trustbank mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỷ đồng, hạch toán chi khống để hợp thức việc mua bán trước đó, chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng để sử dụng cá nhân. Số tiền chiếm đoạt trên là tiền gửi của khách hàng tại Trustbank, không phải là tiền của cổ đông, không phải tiền của bị cáo Phấn. Bởi theo kết luận thanh tra của NHNN đối với Trustbank, xác định, thời điểm ngày 29/2/2012, Trustbank đã bị lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2.854 tỷ đồng.
Hành vi gian dối trong việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của Hứa Thị Phấn để bán cho Trustbank là hành vi rút tiền gửi của khách hàng do Trustbank đang quản lý để chuyển sang sở hữu của Hứa Thị Phấn. Số tiền mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch này, Hứa Thị Phấn trực tiếp sử dụng toàn bộ và đã chiếm đoạt số tiền đó, gây thiệt hại cho Trustbank 1.105 tỷ đồng.
Đồng phạm của bị cáo Phấn, Bùi Thị Kim Loan đã thực hiện chỉ đạo của Phấn, chuẩn bị hồ sơ đề nghị thẩm định giá, hồ sơ mua, bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và yêu cầu Lâm Kim Dũng ký; yêu cầu Trustbank chi nhánh Lam Giang thực hiện việc thu – chi khống 990 tỷ đồng giúp bị cáo Phấn trong việc hủy hợp đồng mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch giữa Công ty Lam Giang với Trustbank và giữa Trustbank với bị cáo Phấn. Giúp Phấn chiếm đoạt và sử dụng 1.105 tỷ đồng.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接