Thầy giáo quê lúa và 12 năm làm nghề "cô nuôi dạy trẻ"
Đức Văn(Dân trí) - Từ giáo viên âm nhạc, bỏ qua những lời xì xào, bàn tán, thầy Tú trở thành "cô nuôi dạy trẻ". Nhiều năm trong nghề, thầy nhận được không ít bằng khen, giấy khen.
Là nam giáo viên duy nhất tại Trường Mầm non Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, thầy Đỗ Quang Tú (48 tuổi) được các cô giáo trong trường bông đùa rằng là "con cưng của Phòng GD&ĐT huyện", bởi thầy Tú đa tài, từ hát hay, múa dẻo, giỏi chuyên môn, đảm việc nhà.
Bước ngoặt ở tuổi 36
Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Âm nhạc, trở thành giáo viên hợp đồng dạy âm nhạc ở một trường Tiểu học ở huyện Thái Thụy, vì một số lý do, thầy Đỗ Quang Tú đi đến quyết định trở thành một giáo viên mầm non ở tuổi 36.
Theo thầy Tú, đây là quyết định mang tính "bước ngoặt cuộc đời", đã đưa đẩy thầy đến với con đường mà ít "nam tử hán" nào dám lựa chọn.
Khi đi đến quyết định làm giáo viên mầm non, không ít người bất ngờ về quyết định của thầy Tú, thậm chí là bàn tán. Được sự ủng hộ vô điều kiện của vợ là một giáo viên mầm non, thầy Tú bỏ qua mọi lời bàn tán, quyết tâm sẽ bám trụ với nghề.
Thầy Tú chia sẻ: "Thời điểm mới vào nghề, mình còn khá bỡ ngỡ vì không được đào tạo bài bản. Nhưng may mắn là mình là bố của 2 đứa trẻ nên đã có kinh nghiệm chăm sóc trẻ, mặc dù còn hơi lúng túng, nhưng dần dần cũng quen và đi học nâng cao trình độ nên mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái".
Thầy Tú cho biết thêm, làm giáo viên mầm non phải kiên trì, yêu nghề, yêu trẻ. Bởi đặc thù công việc giáo viên mầm non phải tỉ mỉ, khá vất vả, thời gian kéo dài từ 7h sáng đến tận chiều muộn, hướng dẫn trẻ từng ly từng tý, từ miếng ăn, giấc ngủ, việc vệ sinh, uốn nắn từng lời nói...
"Chúng con chào cô giáo thầy Tú"
Vốn là một giáo viên âm nhạc, những giờ học đàn, hát, múa, lớp của thầy Tú được xem là lớp học sôi động nhất trường. Thầy Tú đàn hay, múa dẻo và chịu khó chiều học trò nên được các trẻ quý hơn cả cô giáo.
Với thầy Tú, 12 năm làm nghề có nhiều kỷ niệm mà thầy khó có thể quên, từ lúc học trò chào mình bằng "Chúng con chào cô giáo thầy Tú", đến bây giờ có học trò chào thầy Tú là "con chào ông".
Thầy Tú nhớ lại: "Những năm gần đây, mình có tuổi, đầu năm học khi học trò đến nhận lớp chào mình là "con chào ông", nhiều trẻ biết mình thì nhắc bạn phải chào bằng thầy. Ban đầu nhiều trẻ cũng khó gần vì mình là nam, nhưng dần dần các bé quý mình lắm".
Cô Giang Thị Thành Huế, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Thái Thượng tự hào khoe: "Thầy Tú nhiều năm liền đạt giấy khen, bằng khen cấp huyện và cấp tỉnh. Thầy là người đa tài, gánh vác nhiều việc cho trường từ văn nghệ, tập huấn.. nhiều trường khác so bì với trường mình vì có thầy Tú".
Cô Huế cho biết thêm, thời điểm thầy Tú mới vào trường cả trường đều ủng hộ, những buổi dạy ban đầu cho đến bây giờ thầy Tú vẫn "buôn" chuyện với các cô. Thi thoảng lại "Chúng mình ơi thế này, thế kia… rồi phá lên cười".
Vì đặc thù mỗi lớp sẽ phân công 2 giáo viên, nên thầy Tú sẽ cùng một giáo viên nữ dạy một lớp. Vào buổi trưa, sau khi cho các trẻ ở lớp ngủ, thầy Tú sẽ về nhà nghỉ ngơi và trở lại trường vào lúc 13h30 để chuẩn bị cho các con ăn nhẹ và tiếp tục buổi học.
Đặc biệt, các cô giáo trong trường còn khẳng định chưa bao giờ thấy thầy Tú nổi cáu với các con thậm chí còn chiều học trò hơn chiều con mình, có lẽ vì vậy mà thầy Tú được trẻ trong trường đặc biệt yêu quý.
"Năm 2014, mình đi học Trung cấp Sư phạm Mầm non hệ chính quy, thời điểm đi học có 2 giáo viên nam ở Thái Bình đi cùng mình. Nhưng đến nay cả 2 bạn này đã bỏ nghề, còn mình vẫn bám trụ. Mặc dù đôi lúc có khó khăn, nhưng thực sự mình chưa bao giờ nghĩ là sẽ bỏ nghề giáo viên mầm non", thầy Tú tâm sự.
Năm học 2024-2025, thầy Tú được nhà trường phân công dạy lớp 5 tuổi, giáo viên đứng lớp cùng là vợ của thầy Tú. Mặc dù là hai vợ chồng cùng đứng lớp, nhưng mọi việc đều phân công rõ ràng.
Cô Đỗ Thị Hương, giáo viên Trường Mầm non Thái Thượng (vợ thầy Tú) chia sẻ: "Ở lớp thầy Tú được các con quý hơn mình, mình còn hay quát các con, chứ thầy thì chiều. Nhiều lúc, các con còn bắt thầy ngồi im để nhổ hết tóc bạc. Công việc thì phân công đồng đều, cùng đứng lớp, mình đứng lớp thì thầy đi rửa bát".
Đến với nghề từ cái duyên, gắn bó với nghề nhờ tình yêu trẻ, thầy Tú chưa bao giờ ân hận về quyết định của mình. Cho rằng mỗi hành động, lời nói, việc làm của thầy cô luôn là tấm gương để trẻ noi theo. Với thầy, đó không chỉ là công việc mà còn là sứ mệnh thiêng liêng với con trẻ.