Hoạt động nghiệp vụ tại Hải quan Trà Lĩnh. Ảnh: M.Hùng. Phó Cục trưởng Cục Hải quan Cao Bằng Hoàng Văn Hòa cho biết, phần lớn DN trên địa bàn do đơn vị quản lí là ở Cao Bằng và Bắc Kạn có quy mô nhỏ, trong khi DN có hoạt động thường xuyên, có kim ngạch lớn lại nằm ở một số tỉnh, thành ngoài địa bàn, đang là khó khăn nhất định trong thực hiện VNACCS/VCIS. Trước thực trạng đó Tổng cục Hải quan cũng có sự chia sẻ khi giao chỉ tiêu vận động DN thực hiện VNACCS/VCIS cho toàn Cục chỉ là 1 DN (Công ty TNHH Việt Ý-trụ sở tại TP.HCM). Tuy nhiên, Hải quan Cao Bằng xác định sẽ phấn đấu theo mục tiêu chung của toàn Ngành là có 80% tờ khai, kim ngạch tham gia VNACCS/VCIS từ những ngày đầu áp dụng. Quan điểm này đã được lãnh đạo Cục quán triệt tới tất cả lãnh đạo các chi cục trực thuộc. Tại Hải quan Cao Bằng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng và Chi cục Hải quan cửa khẩu Trà Lĩnh là những đơn vị có hoạt động XNK thường xuyên và là những đơn vị nòng cốt trong thực hiện VNACCS/VCIS tại Cục. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng Nguyễn Thế Bằng cho biết, đơn vị đã hoàn thành các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, đào tạo, chạy thử VNACCS/VCIS cho đội ngũ CBCC và các DN làm thủ tục tại đơn vị. Bên cạnh đó, Chi cục cũng phối hợp với Ban quản lí Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, thông tin về VNACCS/VCIS tới cộng đồng DN và các cơ quan quản lí trên địa bàn. Ngoài việc tổ chức thực hiện tốt VNACCS/VCIS tại đơn vị, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng còn có trách nhiệm hướng dẫn, đào tạo cho các chi cục khác trong toàn Cục… Hiện nay, 100% DN và tờ khai tại Chi cục đều thực hiện thủ tục hải quan điện tử là điều kiện thuận lợi để triển khai VNACCS/VCIS. Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng có 16 DN cam kết tham gia VNACCS, vượt xa chỉ tiêu mà Tổng cục giao cho cả Cục Hải quan Cao Bằng. Đặc biệt, trong số này có 14 DN thực hiện khai thử với 43 tờ khai thực hiện thành công. Đây là kết quả đáng khích lệ với một đơn vị Hải quan ở địa bàn vùng sâu vùng xa. Trao đổi với chúng tôi, một công chức trong dây chuyền nghiệp vụ của Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng chia sẻ, dù giao diện, phần mềm của VNACCS/VCIS có nhiều cải tiến và hiện đại hơn phần mềm thông quan điện tử 4.0 hiện nay, tuy nhiên, việc tham gia đầy đủ các lớp đào tạo của Tổng cục, Cục và Chi cục giúp CBCC tại đơn vị nắm bắt và vận hành Hệ thống tương đối thành thục. Chi cục trưởng Nguyễn Thế Bằng chia sẻ thêm, các nội dung liên quan khác như chuyển đổi dữ liệu của Hệ thống kế toán thuế KT559, Hệ thống giá tính thuế GTT01 đang được gấp rút hoàn thành. Việc chuẩn bị và khai báo thử nghiệm ở đơn vị vừa qua khá thuận lợi, tạo sự tin tưởng thực hiện thành công VNACCS/VCIS tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng. Đối với Chi cục Hải quan cửa khẩu Trà Lĩnh, các công tác chuẩn bị cũng diễn ra theo đúng kịch bản của Tổng cục Hải quan. Phó Chi cục trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, về mặt nghiệp vụ toàn thể CBCC và các DN đã tham gia chạy thử đều tiến hành suôn sẻ. Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Trà Lĩnh có 7 DN đăng kí tham gia VNACCS/VCIS. Tuy nhiên, tại Chi cục có điều lo lắng là hệ thống điện lưới đôi khi chập chờn và không đủ tải gây khó khăn cho việc chạy VNACCS/VCIS. Những lúc mất điện trên lưới điện quốc gia, máy phát điện của Chi cục chỉ duy trì được hoạt động cho đơn vị trong khi DN sẽ không có nguồn điện để thực hiện khai báo. Dù còn đôi chút lo lắng về nguồn điện nhưng Phó Chi cục trưởng Nguyễn Văn Trung nhận định, công tác chuẩn bị ở đơn vị cơ bản đáp ứng yêu cầu. Từ đầu năm đến trung tuần tháng 3, toàn bộ 133 tờ khai tại Chi cục đều thực hiện qua thủ tục hải quan điện tử cũng là điều kiện thuận lợi cho Hải quan Trà Lĩnh khi thực hiện VNACCS. T.Bình |