Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Quốc Hoàng Anh với quyết tâm làm sống dậy nghệ thuật truyền thống. Ảnh: NVCC |
Từ hiện tượng “cháy vé”
Đầu tháng 8/2024, cơn sốt “cháy vé” của 3 đêm diễn “Đối diện với vô cùng” do đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh “cầm trịch” cùng nhóm nghệ sĩ dự án “Lên ngàn” và XplusX Studio, Nhà hát Tuồng Việt Nam phối hợp thực hiện trở thành một hiện tượng lạ của sân khấu Thủ đô. Từ khá lâu, rạp Hồng Hà (phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sân khấu biểu diễn của Nhà hát Tuồng Việt Nam chứng kiến hình ảnh khán giả chen chúc nơi phòng vé.
Trong đó, lực lượng khán giả trẻ chiếm đa số. Trên hàng ghế vip của rạp Hồng Hà cả 3 suất diễn với giá vé 1,2 triệu đồng/vé được đặt từ trước các suất diễn cuối. Người xem đều đánh giá cao nội dung vở diễn khai thác chất liệu đương đại trên nền nghệ thuật truyền thống. Ở đó, phong cách nghệ sĩ, cái tôi được khắc họa rõ nét mang đến tinh thần mới cho khán giả. Đúng với tên gọi “Đối diện với vô cùng”, vở diễn kể câu chuyện về hành trình của nhân vật chính bước ra từ những năm đất nước đang thời kỳ đổi mới. Trong thời hậu mở mở 1986 đến năm 2000, gắn với phong trào chủ nghĩa vật chất và tính các nhân được giải phóng. Trên nền chất liệu nghệ thuật Tuồng, các nghệ sĩ khéo léo lồng ghép âm nhạc điện tử, tiếng trống tế, đàn tranh, kèn bầu… cùng hòa nhịp với các động tác múa của Tuồng và điệu nhảy hiện đại Hip Hop.
Duy nhất có 1 nhân vật chính “Cái tôi” do biên đạo múa Tú Hoàng thủ vai đối diện 4 vị thần đại diện cho 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc và nhân vật Linh hồn của đất. Chủ đề mang tính ẩn dụ, cá nhân hóa, người xem tự cảm nhận thông điệp vở diễn hướng tới. Ở phần nhìn, ngoài bức tranh sáng – tối đan xen tạo hiệu ứng ma mị cho khán giả, tạo hình của nhân vật Linh hồn của đất có đeo sau lưng cờ lệnh gợi mở hình ảnh thường thấy trong các vai võ tướng của Tuồng.
Năm 2021, Nguyễn Quốc Hoàng Anh cùng nhóm nghệ sĩ dự án “Lên ngàn” và XplusX Studio làm vở diễn “Sơn hậu: Beyond the Mountain” và “Cõi thinh không” (năm 2023) lấy cảm hứng từ trích đoạn tuồng cổ “Sơn Hậu”.
Theo anh Nguyễn Quốc Hoàng Anh, làm vở diễn “Sơn hậu” theo lối đương đại, anh cùng nhóm nghệ sĩ đã thay đổi cấu trúc tác phẩm đoạn cuối và phần âm nhạc mang đến không gian khác biệt so với lối diễn xướng truyền thống. Nhóm nghệ sĩ thực hiện bối cảnh sân khấu tại khu tập thể Văn Chương, từ sân khấu mở, tiếp cận đông đảo khán giả.
Đưa nghệ thuật truyền thống “cất cánh”
Vở diễn “Đối diện với vô cùng” cháy vé 3 đêm diễn tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn Đào |
Khai thác từ chất liệu Tuồng truyền thống, khác với vở “Sơn hậu” trước đó, vở diễn “Đối diện với vô cùng” hoàn toàn là bản múa, nhảy trên nền nhạc, không có diễn tuồng, thoại tuồng. Cách kể chuyện không dùng lời thoại dễ dàng chinh phục khán giả quốc tế. Theo kế hoạch, dự án nghệ thuật do “Lên ngàn”, Nhà hát Tuồng Việt Nam và XplusX Studio tổ chức được kéo dài đến năm 2025, các vở diễn sẽ có các chuyến công du ở Amsterdam (Hà Lan), London (Vương quốc Anh).
Đằng sau các vở diễn đương đại hút khách là tinh thần sáng tạo của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Quốc Hoàng Anh. Anh đã chọn hướng đi khác biệt, với slogan hoạt động “Tạo ra truyền thống từ thời đại mình”.
Nhà sáng lập dự án “Lên ngàn” may mắn trong gia đình nghệ thuật khi bố là nghệ sĩ piano, mẹ là biên đạo múa balê. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Quốc Hoàng Anh được tắm trong cái “nôi” nghệ thuật của gia đình, cùng không gian văn hóa của các nghệ sĩ thuộc đoàn nghệ thuật chèo, tuồng, nhà hát vũ kịch, sân khấu điện ảnh… tại khu tập thể Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Anh được gia đình định hướng học piano cổ điển tại Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Thế nhưng, Nguyễn Quốc Hoàng Anh rẽ hướng làm việc ngành chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu và quảng cáo tại nước ngoài. Năm 2013, anh quyết định “trở về” và bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng về văn hóa di sản.
Từ năm 2014, dự án “Lênh đênh qua cửa Thần Phù” về đạo Mẫu được thực hiện. Năm 2019, dự án “Lên ngàn” kết nối các nghệ sĩ trẻ, khởi tạo các vở diễn đặc sắc trên nền nghệ thuật truyền thống. Năm 2021, dự án “ m – Thanh sắc – Màu” thử nghiệm trên âm nhạc cổ điển, jazz, hip hop đan xen tiếng trống đế, trống cơm, tiếng của nhân vật hề chèo (nghệ sĩ Ngọc Minh - Nhà hát chèo Việt Nam) trong vở chèo “Xúy Vân giả dại”…Các tác phẩm gây tiếng vang cho công chúng, đây là tiền đề để nghệ sĩ trẻ thực hiện nhiều vở diễn đương đại hút khách sau này.
Nguyễn Quốc Hoàng Anh chia sẻ: “Điều tôi quan tâm là phải làm cho di sản văn hóa sống được hay còn gọi là hình thức bảo tồn động. Muốn nghệ thuật sống được thì phải có môi trường phát triển và có khán giả riêng của nó”.
Trước thực tế nghệ thuật truyền thống trải qua nhiều thăng trầm, các nhà hát thưa vắng, khán giả khó mặn mà với sân khấu thì cách làm sáng tạo của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Quốc Hoàng Anh đã thổi làn gió mới cho nghệ thuật truyền thống. Bằng cách tiếp cận mới, nghệ thuật truyền thống vẫn hút khách, tạo sinh kế cho nghệ sĩ tiếp tục tạo ra tác phẩm mới. Đó cũng là cách người trẻ giữ gìn, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc trong dòng chảy thời đại.
Nguyễn Quốc Hoàng Anh là nhà sáng lập dự án nghệ thuật “Lên ngàn”. Anh là thủ lĩnh của các nền tảng như 84 Noise, Saigon Vivu, Cổ động... tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo đa ngôn ngữ, với khát vọng tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa bản địa. Năm 2023, Nguyễn Quốc Hoàng Anh đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn chương trình Tham gia lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Anh được Hanoi Grapevine Finest 2021 - 2022 đề cử nghệ sĩ tích cực của năm vì những cống hiến cho cộng đồng sáng tạo Việt Nam. Năm 2024, Nguyễn Quốc Hoàng Anh vinh dự được tuyên dương Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu.
Toàn cảnh Ngày hội lớn của Thanh niên Thủ đô | |
Kỳ thủ cờ tướng nhí được vinh danh top 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023 |