Hàng trăm hộ dân nuôi thủy sản tại tỉnh Khánh Hòa bị ảnh hưởng do bão số 12 (năm 2017) vẫn đang mòn mỏi chờ chủ trương khoanh nợ từ các ngân hàng. Trong khi đó,ậubongườinuithủysảnchờkhoanhnợlich thi dau bong da nam các cơ quan chức năng cho biết vẫn phải chờ Trung ương. Vùng nuôi thủy sản huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, “thủ phủ tôm hùm, cá mú” như bị xóa trắng sau bão ập đến. Người dân trở nên trắng tay, nợ nần chồng chất. Với bà Nguyễn Thị Mỹ Rơi, tổ 9, thị trấn Vạn Giã, bão số 12 không chỉ cướp chồng bà, mà còn cuốn sạch 100 lồng nuôi tôm hùm, tương đương hơn 5.000 con đạt kích cỡ thương phẩm, trị giá khoảng 10 tỷ đồng, chỉ sau một đêm. Bà Rơi nghẹn ngào cho biết, từ ngày chồng mất, gia đình không còn nuôi tôm nữa, vì vốn liếng chẳng còn, nợ thì chất đầy. Nhưng lo lắng bây giờ của bà là khoản vay 1,85 tỷ đồng từ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Vạn Ninh, chưa biết lấy gì để trả. “Công việc của tôi bây giờ là đi bán bảo hiểm kiếm sống qua ngày và nuôi 2 con nhỏ. Món nợ ngân hàng sau gần 2 năm đã “đẻ” hơn 300 triệu đồng tiền lãi, tôi không biết lấy gì trả”, bà Rươi kể trong nước mắt. Cùng cảnh với bà Rơi, ngư dân Trần Thao xã Vạn Thạnh, cho biết, sau bão gia đình ông mất trắng hơn 5 tỷ đồng và nợ ngân hàng hơn 1,5 tỷ đồng. Nhờ sự động viên của các cấp, ông tiếp tục cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng thêm 500 triệu đồng để tái sản xuất, mong cứu vãn những gì đã mất. Nhưng thời gian qua, việc nuôi tôm không thuận lợi, đặc biệt là giá cả lao dốc nên ông chỉ sản xuất cầm chừng, không có lãi. Vậy nên, các khoản vay vẫn chưa thể trả, trong khi nợ cũ vẫn ghi nợ mỗi ngày. Theo ông Thao, sau bão, nhiều người dân Vạn Ninh phấn chấn khi chủ trương khoanh nợ được phổ biến. Đa số dân đều làm hồ sơ khoanh nợ như hướng dẫn từ các cấp. Thế nhưng, đã 2 năm trôi qua, chủ trương ấy vẫn còn trên giấy. Ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, cho biết, đa số bà con nuôi thủy sản của huyện vay vốn từ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Vạn Ninh để đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, sau cơn bão số 12, hầu hết người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn bị thiệt hại nặng nề. Để người nuôi tái sản xuất, huyện Vạn Ninh đề nghị tỉnh xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ khoanh nợ đối với 246 trường hợp (số tiền hơn 62 tỷ đồng). Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt. “Những hộ này rất mong được sự quan tâm trong vấn đề khoanh nợ. Bởi nếu không được khoanh nợ, lãi sẽ tăng và đến mức độ nào đó sẽ chuyển sang nợ xấu và không có khả năng thanh toán. Trong khi hiện giờ vốn liếng bà con cũng đã mất, mà không được tái vay để sản xuất thì nguồn trả nợ cũng rất khó”, ông Nguyễn Ngọc Ý thông tin thêm. Ông Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, cho biết: Việc hỗ trợ các giải pháp khắc phục hậu quả sau bão số 12 đối với người dân vay vốn nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại đã được ngân hàng và Sở Tài chính hoàn tất các thủ tục trình UBND tỉnh Khánh Hòa. Tháng 7-2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính kiểm tra xem xét, quyết định khoanh nợ cho 249 khách hàng và 280 hồ sơ với số tiền đề nghị khoanh nợ 68,19 tỷ đồng, thời gian khoanh nợ 2 năm tính từ tháng 7-2018. Hiện hồ sơ đã gửi qua Văn phòng Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt, chưa có văn bản trả lời. “Chúng tôi rất chia sẻ với bà con. Sắp tới ngân hàng sẽ tiếp tục có báo cáo về vấn đề này với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để họ tiếp tục kiến nghị với cấp trên tháo gỡ khó khăn cho người nuôi”, ông Nguyễn Hoài Chiểu chia sẻ. |