Cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính ASEAN, một khu vực có khoảng 650 triệu dân diễn ra trong bối cảnh hỗn loạn ngân hàng toàn cầu gần đây, sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và gói cứu trợ và tiếp quản của Credit Suisse. Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Chủ tịch ASEAN năm nay cho biết: “Chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều hợp tác khu vực là cần thiết để có thể ứng phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào có thể xảy ra, cho dù là khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng hay đại dịch”. Bà phát biểu trong cuộc họp báo rằng: “Chúng tôi cho rằng đây sẽ là một vấn đề cho bất kỳ chu kỳ khủng hoảng nào tiếp theo, trong đó yếu tố tài khoá cũng cần phải sẵn sàng và mạnh mẽ”. Theo đó, hợp tác tài chính sẽ tập trung vào các lĩnh vực như thương mại, đầu tư và các hiệp định thuế song phương. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Perry Warjiyo cho biết, cuộc họp cũng ghi nhận sự cần thiết của các nước ASEAN trong việc hướng chính sách tiền tệ tập trung vào việc kiểm soát lạm phát, đặc biệt là lạm phát cơ bản. “Chính sách lãi suất nên là công cụ chính, nhưng có thể được bổ sung bằng cách can thiệp ngoại hối, cũng như quản lý dòng vốn nếu thấy cần thiết”, Thống đốc Perry Warjiyo nhấn mạnh. Trong một diễn biến có liên quan, cuộc họp cũng nhất trí tăng cường sử dụng đồng nội tệ để thanh toán nhằm giảm biến động và rủi ro đối với các loại tiền tệ chính. Quốc gia càng sử dụng đồng nội tệ nhiều để thanh toán thì quốc gia đó nói riêng và khu vực nói chung lại càng có thể chống chọi tốt hơn với các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngoài ra, lãnh đạo tài chính các nước ASEAN cũng đồng ý tiếp tục thảo luận về tài sản tiền điện tử, bao gồm cả cách điều chỉnh nó. Tại một cuộc họp bên lề sự kiện, các thống đốc ngân hàng trung ương của Indonesia và Philippines cho biết, hệ thống ngân hàng của họ rất linh hoạt và các quy định chặt chẽ hơn đã được đưa ra để ngăn chặn sự lặp lại của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra vào cuối những năm 1990. |