Thế nhưng, hiện xã hội vẫn chưa quan tâm đúng mức đến trẻ tự kỷ, khiến các phụ huynh rất vất vả trong hành trình nuôi dạy con em mình. Số lượng tăng nhanh
Chúng tôi đến thăm xóm tự kỷ tại phường 17 (quận Bình Thạnh, TPHCM) là nơi mà hàng trăm trẻ em ở các tỉnh đổ về, ở trọ để điều trị tại Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí (214/25F Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh). Bà Tám Liên bán nước ở đầu hẻm 263 Điện Biên Phủ cho biết: “Con hẻm này lúc nào cũng thiếu phòng trọ, sao tụi nhỏ giờ bị tự kỷ nhiều thế, mỗi ngày tôi đều thấy có người tìm tới xin học cho con”.
Đang nói chuyện với bà Tám Liên, chúng tôi thấy có tiếng la hét phát ra trong hẻm, càng lúc càng gần, kèm theo đó là tiếng người phụ nữ chạy theo la lớn: “Mẹ bảo bạn xin lỗi con rồi”. Bà Tám Liên cho biết đó là mẹ con chị N.H.P. (ngụ Rạch Giá, Kiên Giang), ở đây gần 2 năm nay, hình ảnh ấy là bình thường ở xóm này. Chị P. kể: “Tôi khám và điều trị ở quê mãi không khỏi, từ khi lờ mờ nhận ra cậu con trai 4 tuổi có biểu hiện tâm lý khác thường, không nói không cười như những đứa trẻ khác, nên tôi ôm con lên TPHCM khám. Lúc bác sĩ nói con tôi mắc chứng tự kỷ, tôi suy sụp lắm, nhìn con tuổi có lớn mà nhận thức không lớn, rồi hàng xóm dị nghị, đặt điều nói do gia đình tôi ăn ở không tốt, nên con cái mới bị thế. Suốt 2 năm qua, tôi một mình đưa con lên trọ ở quận Bình Thạnh để chữa bệnh. Ở đây mới thấy không chỉ con tôi mà rất nhiều bé bị tự kỷ”.
Ngoài hẻm 236, các hẻm thuộc địa bàn phường 17 cũng có nhiều phụ huynh đưa con lên đây ở trọ để theo học với mong muốn con mình hòa nhập được với xã hội. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2016, ước tính nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ và tại các bệnh viện, lượng trẻ đến chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng.
Tại chương trình “Việt Nam nhận thức về tự kỷ năm 2017”, bác sĩ Phạm Minh Triết (Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết, hàng năm, khoa Tâm lý tiếp nhận từ 1.000 - 1.200 trẻ được chẩn đoán là tự kỷ hoặc theo dõi mắc bệnh tự kỷ, chủ yếu là ở các tỉnh đưa về. Hiện cũng có bệnh viện mỗi ngày khám cho hơn 200 trường hợp tự kỷ, trước đây con số này chỉ dừng lại ở 5 - 6 trường hợp.
Nơi điều trị cho trẻ tự kỷ thiếu, chi phí cao
Tuy số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng, nhưng có ít nơi nuôi dạy trẻ mắc chứng tự kỷ và việc này chưa thực sự được nhà nước quan tâm. Hiện chủ yếu trẻ tự kỷ học chung với trẻ bị các khuyết tật khác tại các trường chuyên biệt. Muốn con em mình được rèn luyện theo chương trình dành riêng cho trẻ tự kỷ, phụ huynh phải gửi con em mình vào các trung tâm tư nhân ở Hà Nội hoặc TPHCM với học phí khá đắt đỏ.
Trong vai người đi tìm nơi học cho con tự kỷ, chúng tôi khảo sát một số trung tâm tại TPHCM, cho thấy học phí ở đây khá cao, trong khi chương trình đào tạo lại chung chung theo kiểu họ giải thích là chương trình độc quyền do trung tâm tự soạn, dựa trên nghiên cứu của các chuyên gia do trung tâm đặt hàng. Thông thường có 2 lựa chọn, với trẻ học theo ca thì học phí khoảng từ 220.000 - 250.000 đồng/giờ. Học bán trú theo tháng thì học phí từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn có dịch vụ tới tận nhà để rèn luyện cho các bé, với học phí từ 300.000 - 350.000 đồng/giờ. Như vậy, nếu một gia đình ở tỉnh đưa con về TPHCM học trong các trường, trung tâm dạy trẻ tự kỷ, thì chi phí thấp nhất cũng từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Chúng tôi gặp chị Đặng Hoài Phương An (ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tại một trung tâm dạy trẻ tự kỷ trên đường Phước Long B (quận 9, TPHCM). Nhận thông báo học phí 7 triệu đồng/tháng, chị An đành lau nước mắt ra về. Chị An kể: “Tôi gõ cửa 3 trung tâm rồi, ngày trước tôi gửi cháu vào trường dành cho trẻ khuyết tật, nhưng hành vi của cháu càng ngày càng cộc cằn, gặp ai cũng đánh, nên nhà trường trả về. Bác sĩ khuyên gia đình tôi tìm trường chuyên cho trẻ tự kỷ, cho bé theo học, may ra mới cải thiện được, nhưng học phí cao quá, bằng tổng thu nhập của cả hai vợ chồng tôi, chưa tính chi phí sinh hoạt ăn ở”.
Là người lập ra Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí, bản thân TS-BS Huỳnh Tấn Mẫm cũng có con mắc chứng tự kỷ. Ông cho biết: Trẻ tự kỷ là căn bệnh của thời đại công nghiệp, tuy chưa biết chính xác nguyên nhân do đâu nhưng môi trường ô nhiễm và hóa chất trong thực phẩm cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mắc chứng tự kỷ. Ở Mỹ, bình quân cứ 68 trẻ có 1 trẻ bị mắc chứng tự kỷ. Còn ở nước ta, con số thống kê trẻ mắc chứng tự kỷ cũng còn rất chung chung. “Tôi thấu hiểu các gia đình có con mắc chứng tự kỷ, bởi cuộc sống gia đình bị đảo lộn, không lúc nào bình yên. Bệnh tự kỷ không chữa được, nhưng cải thiện được, nếu nhà nước quan tâm đến các cháu thì sẽ giúp nhiều đứa trẻ tự kỷ hòa nhập được với xã hội”, TS-BS Mẫm gửi gắm.
Là chuyên gia nghiên cứu về chứng tự kỷ ở trẻ tại thủ đô Ottawa (Canada), năm 2010 thạc sĩ Vũ Thị Dung đã trở về Việt Nam để nghiên cứu về chứng bệnh này. Điều khiến bà băn khoăn là nơi điều trị cho trẻ tự kỷ còn rất thiếu. Bà tâm sự: “Hơn 7 năm nghiên cứu về trẻ tự kỷ tại Việt Nam, tôi thấy trẻ khiếm thính, khiếm thị đều có chương trình giáo dục riêng, nhưng trẻ tự kỷ thì không. Trường dạy trẻ tự kỷ vô cùng hiếm hoi, những bé đến các trường chuyên biệt công lập cũng chủ yếu là học ghép với các trẻ khuyết tật khác. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ trẻ tự kỷ ở Việt Nam hầu như không có. Ở Canada trợ cấp mỗi năm 33.000 USD, ở Mỹ trợ cấp 45.000 USD cho một đứa trẻ tự kỷ học tập và hòa nhập cộng đồng, còn mức trợ cấp ở Việt Nam là 180.000 - 750.000 đồng/tháng, quá thấp so với nhu cầu sinh hoạt chứ chưa nói đến việc học tập tại các trường chuyên biệt, nên nhiều gia đình không có khả năng cho trẻ đến trường. Hy vọng Việt Nam sẽ có được những chương trình dành riêng cho trẻ tự kỷ, để các bé không bị thiệt thòi”. |