Thời tiết năm nay diễn biến thất thường khiến nhiều làng hoa,ếtmấtmađượkqbd vn hôm nay quất cảnh ở tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bù lại, thời điểm hiện tại, hầu như hoa các nhà vườn đều đã được thương lái đặt thu mua hết với giá cao. Khoảng 65.000 chậu quất cảnh ở xã Cẩm Hà (TP Hội An) hầu như được thương lái đặt mua hết Cây hư hàng loạt Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), cho biết, sau đợt mưa ngập xảy ra những ngày đầu tháng 12 vừa qua, hơn 7.000 cây hoa hướng dương trên địa bàn huyện bị ngập úng, chết hoàn toàn. Hoa cúc trồng chậu, số lượng bị hư hại ước tính khoảng 20%. Các xã Hòa Phong, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến… bị ảnh hưởng nặng nhất, với chủ yếu là hoa cúc trồng ngoài đất, tỷ lệ dập, hư hại từ 20% - 50% (khoảng 5,5ha)… Tại Quảng Nam, mưa lớn cộng với lũ cao bất thường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vườn hoa, cây cảnh. Chỉ riêng tại huyện Thăng Bình và thị xã Điện Bàn, hơn 17.000 chậu hoa cúc, vạn thọ bị hư úng. Theo ông Nguyễn Văn Sáu, làng hoa Hà Đông (xã Điện Hòa, Điện Bàn), gần 11.000 chậu hoa của 30 hộ trong làng hầu hết đều bị vàng lá, một số cây mủn cành và chết. Riêng nhà ông Sáu, vụ tết năm nay trồng 300 chậu vạn thọ, 1.500 chậu hoa cúc, nhưng đợt mưa vừa qua đã khiến hơn 100 chậu vạn thọ chết hoàn toàn, tỷ lệ hư hại ở hoa cúc ước khoảng 20%. “Loại hoa cúc này mưa ngập không thấy gì nhưng chỉ cần trời nắng lên như mấy hôm nay là vàng lá, rũ lá hư hại hoặc chết, cây nào sống thì cũng không đẹp”, ông Sáu cho biết. Không hư hại nhiều như hoa cúc, nhưng những vườn quất Hội An cũng không nguyên vẹn. Một số cây xuất hiện nấm mốc trên lá, chậm ra trái. Thậm chí, có vườn tỷ lệ cây hư hoặc chậm trái lên đến 70%. Điển hình như hộ ông Nguyễn Chung (thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà, TP Hội An) năm nay trồng 400 chậu quất nhưng hư hại chỉ còn 150 cây. Các vườn khác như vườn ông Nguyễn Văn Minh, Lê Văn Bảy (thôn Bầu Ốc Thượng, Cẩm Hà)… tỷ lệ cây bị ảnh hưởng do thời tiết mưa ngập chiếm khoảng 15% - 20%. “Chưa khi nào thời tiết khó lường như năm nay, nhiều chủ vườn dù đã nhận tiền cọc từ tháng trước nhưng cũng phải trả lại cho thương lái. Trồng quất không đơn giản, cây nào hư đã đành, nhưng những cây còn sống cũng phải tốn rất nhiều phân thuốc mà chưa hẳn mướt đẹp nên giá bán cũng giảm đi”, ông Chung phân tích. Vớt vát nhờ giá tốt Dù tỷ lệ hoa, quất năm nay hư hại khoảng 30%, nhưng bù lại giá bán tăng khoảng 20%, đặc biệt số lượng cũng đã được bao tiêu hết. Theo ông Nguyễn Văn Sáu, đến thời điểm hiện tại, khoảng 80% hoa cúc của làng đã được thương lái và các cơ quan, đơn vị từ nhiều nơi đến đặt cọc tiền. Tương tự, ông Lê Viết Xuân, (thôn Nhơn Thọ, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) cho biết, không chỉ vườn hoa nhà ông mà các hộ trồng hoa trong thôn phần nhiều cũng đã nhận cọc của thương lái, chỉ chờ qua rằm tháng chạp sẽ đến chở đi. Theo ông Phạm Hữu Phước (khối Trảng Kèo, xã Cẩm Hà, TP Hội An) chia sẻ: “Năm nay không được mùa, quất cũng không đều trái như năm ngoái nhưng được cái giá cao. Vườn tôi có hơn 100 chậu quất, giá bán 5 triệu đồng/chậu, coi như bù đắp lại chi phí phân thuốc và hư hại do mưa ngập gây ra vừa rồi”. Tương tự, hơn 1.000 chậu quất của ông Nguyễn Tường Minh (thôn Bầu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà, TP Hội An) cũng đã được thương lái từ Gia Lai, Đà Nẵng đặt cọc mua hết. “Nếu từ đây đến tết thời tiết thuận lợi thì tôi thu được khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí, xem như gỡ gạc lại công sức bỏ ra cả năm”, ông Minh nói. Theo ông Mai Kim Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà (TP Hội An), năm nay toàn xã trồng khoảng 65.000 chậu quất cảnh, chủ yếu tập trung tại các thôn Trảng Kèo, Bầu Ốc Thượng, Bầu Ốc Hạ… Sau đợt mưa vừa qua, dù chưa có số lượng thống kê chính thức vì phải chờ trời nắng lên khoảng 3 tuần mới biết cây hư hại hay không, nhưng nhìn chung, tỷ lệ hao hụt không nhiều do người dân đã có kinh nghiệm và chủ động phòng chống từ trước. “Cũng mừng là năm nay giá quất cao, số lượng tiêu thụ mạnh nên dù có thiệt hại ít nhiều do mưa ngập nhưng đa phần bà con đều phấn khởi” ông Phương chia sẻ. |