Covid-19 bùng phát mạnh tại hầu hết địa phương khiến việc giải ngân vốn gặp khó. Ảnh: TL. |
Tác động nặng nề do Covid-19
Cụ thể, ước thanh toán vốn trong nước từ đầu năm đến 30/9/2021 là 245.580,47 tỷ đồng, đạt 42,55% kế hoạch; vốn ngoài nước là 10.647,87 tỷ đồng, đạt 18,33% kế hoạch.
Giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2021 trong 9 tháng qua ước đạt 37.677,42 tỷ đồng, bằng 48,57% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước đạt 47,27% kế hoạch; vốn nước ngoài là đạt 62,71% kế hoạch.
Ước thanh toán vốn kế hoạch năm 2021 là 218.550,92 tỷ đồng, đạt 41,66% kế hoạch; đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỷ lệ giải ngân vốn năm 2021 đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (56,33%); trong đó vốn trong nước đạt 51,74% (cùng kỳ năm 2020 là 60,88%), vốn nước ngoài đạt 12,69% (cùng kỳ năm 2020 đạt 24,65%).
Nguyên nhân tiên quyết của việc giải ngân vốn đầu tư chậm là do dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại hầu hết địa phương làm cho việc cung cấp vật tư gặp khó khăn, nhất là các hàng hóa cần nhập khẩu; không huy động được nhân lực cho các công trình cũng như triển khai thi công do giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, do giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố, các cơ quan hành chính làm việc qua hệ thống công nghệ thông tin nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công việc đặc biệt trong công tác thẩm định tại các cơ quan chuyên ngành.
Riêng các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, tư vấn xây dựng thiết kế kỹ thuật; thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án, giá cả.
Nhiều vướng mắc đã tồn tại lâu
Ở khía cạnh chủ quan, việc triển khai giải phóng mặt bằng, tái định cư hay đấu thầu, thi công cũng phần nào gây chậm.
Nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng đã tồn tại từ lâu nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Một số nơi còn chưa minh bạch trong tổ chức đấu thầu, còn trường hợp lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Một số dự án vốn nước ngoài chậm tiến hành đấu thầu vì chuyên gia tư vấn quốc tế hỗ trợ xây dựng hồ sơ thầu và đánh giá thầu không sang được hoặc sang chậm, nhà tài trợ chậm xem xét và cho ý kiến về hồ sơ mời thầu và kết quả đấu thầu, chậm chưa phê duyệt được hợp đồng; vướng mắc với nhà tài trợ về phạm vi các gói thầu nên chưa thể triển khai.
Việc chậm trễ trong công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu do khác biệt giữa hợp đồng FIDIC (mẫu hợp đồng do Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn phát hành) và quy định trong nước tiếp tục là vấn đề nổi cộm của nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi.
Nguyên nhân này thuộc trách nhiệm của chủ dự án và ban quản lý dự án.
Một số dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng do khó khăn về xác nhận khối lượng hoàn thành với nhà thầu và tư vấn, hồ sơ nghiệm thu khối lượng còn chưa thống nhất, phải rà soát nên chưa thể hoàn thành được các chứng từ để thực hiện các thủ tục kiểm soát chi, rút vốn.
Một số dự án chậm tổng hợp hồ sơ đề nghị rút vốn, chậm hoàn chứng từ; hồ sơ rút vốn không đủ điều kiện giải ngân phải trả lại.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)