Mặc dù đổ lỗi cho nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan nhưng việc quân đội Myanmar đảo chính nắm chính quyền đã làm cho tình hình chính trị quốc gia này thêm rối ren.
Binh sĩ quân đội Myanmar. Ảnh: Reuters
Cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar diễn ra vào sáng sớm ngày 1-2-2021 tuy gây quan ngại cho cộng đồng thế giới nhưng lại không quá bất ngờ vì quân đội Myanmar vốn có truyền thống nắm chính quyền tại nước này trong thế kỷ 20 và 21. Theẫncnrốnhận định werder bremeno đó, cả đương kim Tổng thống dân sự Myanmar Win Myint, nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi cùng một số nhà lãnh đạo khác trong đảng cầm quyền Myanmar, đã bị quân đội nước này bắt giữ. Quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp, trao chính quyền cho Tổng tư lệnh quân đội - tướng Min Aung Hlaing. Đài truyền hình quân đội Myanmar tuyên bố, quân đội sẽ nắm quyền lực như vậy trong một năm.
Nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đảo chính lần này là do quân đội Myanmar vốn không hài lòng về kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11-2020 khi họ cho rằng cuộc bầu cử có gian lận và ủy ban bầu cử Myanmar vẫn chưa cho họ kiểm tra chéo danh sách cử tri. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là việc chính quyền dân sự mới sau cuộc bầu cử này dự kiến sẽ tiến hành các cải cách dân chủ sâu rộng, thu hẹp dần quyền lực và tầm ảnh hưởng của quân đội Myanmar. Nhưng một chính quyền cải cách như thế đã bị tước quyền ngay từ trong trứng nước vì quân đội Myanmar đã hành động trước một bước.
Trong lịch sử, quân đội ở Myanmar có vị thế đặc biệt và rất hay chấp chính. Trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, quân đội Myanmar không thực hiện nhiều cuộc đảo chính như Thái Lan nhưng thời gian họ nắm giữ chính quyền nhà nước lại kéo rất dài. Sau khi tiến hành đảo chính vào năm 1962, quân đội Myanmar đã duy trì chính quyền quân sự suốt từ đó đến năm 2011 mới chuyển giao chính quyền sang chế độ dân sự. Nhưng đến đầu năm 2021, tình trạng quân đội kiểm soát chính quyền một lần nữa lại diễn ra.
Mặt khác, Hiến pháp hiện nay của Myanmar có từ năm 2008 là do chính quân đội nước này xây dựng, với quy định cho phép quân đội Myanmar hưởng sẵn 25% số ghế trong Quốc hội (không cần qua bầu cử), đồng thời cho phép họ cử sĩ quan của mình đứng đầu Bộ Nội vụ, Bộ Các vấn đề biên giới và Bộ Quốc phòng. Không những vậy, Hiến pháp Myanmar 2008 còn trao quyền cho quân đội tiếp quản chính quyền trong các hoàn cảnh đặc biệt. Đây có thể xem như “hành lang pháp lý” để quân đội thực hiện đảo chính với những cái cớ do họ viện dẫn.
Vụ đảo chính ở Myanmar đã làm nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia liên quan đặc biệt quan tâm. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vừa tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận về tình hình tại Myanmar, song chưa thể nhất trí thông qua một tuyên bố chung do Anh soạn thảo.
Trung Quốc và Nga đều cho rằng cần phải có thêm thời gian để xem xét, đánh giá tình hình. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục phản ứng mạnh khi tuyên bố động thái của quân đội Myanmar là hành động “đảo chính quân sự”, theo đó sẽ chấm dứt viện trợ đối với Chính phủ Myanmar. Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi cộng đồng quốc tế cần cùng nhau lên tiếng gây sức ép buộc quân đội Myanmar lập tức từ bỏ quyền lực mà họ mới chiếm đoạt trước đó. Bên cạnh đó, Tổng thống Biden còn nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ phối hợp với các đối tác trong khu vực và thế giới nhằm hỗ trợ khôi phục luật pháp cũng như quy trách nhiệm cho những đối tượng liên quan tới vụ đảo chính quân sự ở Myanmar.
Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, chính trường Myanmar khó có thể yên ổn trong ngày một ngày hai.
HN tổng hợp