Cứ đi quanh quanh trong làng. Uốn lượn ngang qua làng,ềnghetĩnhlặmainz – wolfsburg thấy dòng Ô Lâu mềm mại hẳn. Con đường dẫn vào làng lát gạch mộc cứ men theo sự uốn lượn của dòng sông mà đi. Nên sông và đường đều mềm như dải lụa. Người ta đã nói, đã viết quá nhiều về làng cổ, rằng nơi đây có cây thị già nua và nhiều ngôi nhà, đình, miếu vài trăm năm tuổi; có nghề gốm truyền thống và hiện nay đang duy trì và phát triển trở lại; rằng ngôi làng này có nhiều người đã thành tài thời triều Nguyễn và một trong những nơi có nhiều người sống thọ… Sau khi dạo hết quanh làng, tôi ngồi dưới một gốc dâu già cố gắng “lắng nghe hơi thở của mùa xuân”. Làng cổ yên bình quá, tĩnh lặng quá. Đi quanh làng cả tiếng đồng hồ mà chỉ gặp duy nhất một nhóm sinh viên 5 người du xuân. Các em thăm làng và trải nghiệm làm gốm, học nặn những chú tò he... Mùa này hoa dâu chớm nở. Nếu làm tốt công tác quảng bá thì Phước Tích đã là một địa chỉ du lịch đẳng cấp. Có lẽ nên tăng thêm các nội dung trải nghiệm. Nghe bảo rằng hồi xưa ở đây cũng có hò Huế. Không gian này, tôi muốn ví như một thứ nước hoa tắm rửa tâm hồn quá tốt. Tĩnh lặng, yên bình, thanh tao, trong veo… và quá đẹp. Một câu hỏi cứ “lẩn vẩn” trong đầu tôi: tại sao một nơi đẹp như thế này, có giá trị mang tính di sản như thế này mà sao du khách ít đến nhỉ? Cách Huế chỉ 35km, đường đi thuận tiện đâu phải là quá xa! Đã có ai tổ chức những hoạt động trải nghiệm, lưu trú nơi làng cổ chưa nhỉ!? Công tác quảng bá cho làng cổ có lẽ một mình huyện Phong Điền làm là chưa đủ mà cần sự trợ giúp của tỉnh. Không chỉ quảng bá trong nước mà cần ra ngoài nước, lồng ghép trong các cuộc xúc tiến đầu tư, xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch. Đối với các đơn vị truyền thông trong tỉnh, tôi trộm nghĩ như thế này không biết có được chăng: làng cổ Phước Tích phải là một trong những điểm đến ưu tiên trong công tác quảng bá. Cần làm thường xuyên, truyền thông thành vệt. Phải đầu tư quay những thước phim đẹp về làng cổ. Tận dụng mọi phương tiện mạng xã hội. Ngoài những giá trị văn hóa, cần truyền thông những hoạt động trải nghiệm. Hoạt động trải nghiệm như là “một cái cớ” để quảng bá vẻ đẹp của làng cổ. Ví như mùa dâu trổ hoa. Hoa dâu rất đẹp, từng chùm nứt ra từ thân dâu xù xì. Ai nhạy cảm về mặt cảm xúc sẽ rất thích thú khi về một làng quê yên bình, có nhiều thứ để nhìn, để ngắm, để tĩnh tâm; để chiêm nghiệm một đời sống cách đây nhiều trăm năm… và để ngắm hoa dâu nở. Các trường học có thể tổ chức cho các em những chuyến đi như thế này. Rồi mùa dâu chín. Làng cổ không thiếu các loại cây trái. Chúng ta có thể thưởng thức một bữa ăn dân dã chăng? Một nồi cơm nóng, một bát canh mít lá lốt; một đĩa vả trộn; một mớ rau khoai luộc… Các em tự tay mình hái, tự tay mình chế biến, rồi ngồi trong những mảnh vườn xanh um lá, trĩu nặng trái… mà thưởng thức cơm quê. Không cần nhiều tiền, ít tốn kém mà góp phần cho làng cổ có hồn, có nội dung, có tuồng có tích. Tại làng cổ Phước Tích, tôi đã bắt gặp lại tuổi thơ mình. Tự tay mình hái trái vả, vài trái “dái” mít, cắt ra, ngâm nước muối. Và chấm với ruốc Huế xin từ một người quen trong xóm. Vị chát của vả, của “dái” mít như ít chát hơn. Nó còn đọng lại vị ngọt nơi đầu lưỡi. Vả làng cổ có vẻ như thơm ngon hơn vả ở những nơi khác. Có lẽ, vẻ tĩnh lặng, sự thinh không… của làng cổ cho tôi cảm giác này. CÁT SƠN |