Các khách sạn, nhà hàng lớn nhỏ, kể cả bếp ăn trong khu công nghiệp đều lắc đầu với hai chữ “thịt trâu”. Vậy thịt trâu nhập khẩu biến đi đâu? Ẩn số đó đang thách thức các cơ quan chức năng.
Nhìn toàn cảnh thị trường, từ năm 2014 đến nay, thị trường Việt Nam đón nhận những làn sóng trâu, bò nhập khẩu, cả còn sống lẫn thịt đông lạnh. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, trong năm 2014, Việt Nam đã nhập tới 181.534 con trâu, bò sống từ Australia và Ấn Độ cùng lượng thịt đông lạnh không hề nhỏ, dự báo năm 2015 sẽ tăng rất mạnh. Thực tế cho thấy đúng như... dự báo.
Tháng 3/2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Canada dẫn một đoàn các nhà sản xuất quảng bá thịt bò Canada tại Việt Nam, nhằm tấn công các chuỗi nhà hàng, khách sạn, nhà bán lẻ.
Ngày 20/4/2015, tại TP.Hồ Chí Minh, Hiệp hội Các nhà sản xuất và cung cấp thịt EU tổ chức họp báo giới thiệu thịt lợn, thịt bò châu Âu. Sẽ có một chiến dịch quảng bá thịt của EU nhằm gia tăng xuất khẩu vào Việt Nam, đón đầu EVFTA sẽ được ký kết trong năm 2015. Nên nhớ, năm 2014, Việt Nam nhập hơn 1.720 tấn thịt bò từ châu Âu, tăng hơn 70 lần so với năm 2012...
Cuối tháng 4/2015, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản gửi Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội về việc cho phép nhập khẩu thịt bò không xương dưới 30 tháng tuổi từ Pháp vào Việt Nam...
Sau Mỹ, Canada, Ấn Độ, Australia..., đến lượt EU có tham vọng chiếm lĩnh thị trường thịt Việt Nam với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của giá thành chăn nuôi, giá thành thịt rẻ hơn Việt Nam tới 25- 30%, trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc tại Việt Nam ngày càng cao.
Trước sự tấn công mạnh mẽ đó, ngành chăn nuôi trong nước sẽ ra sao? Theo TS.Lê Đăng Doanh, 3 đối tượng chính của ngành chăn nuôi sẽ rơi vào cảnh “nguy cấp” là lợn, gà và bò, cần có giải pháp cấp bách.
Song, giải pháp hữu hiệu nào sẽ được triển khai khi sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu vẫn là hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ? Ngành nông nghiệp mới có khoảng 3.500 doanh nghiệp hoạt động, chiếm chưa đầy 1% tổng số doanh nghiệp của cả nước, bao giờ mới vươn tới con số 10% hay 20%?... Những câu hỏi đó cho thấy công cuộc tái cơ cấu ngành chăn nuôi vô cùng bức thiết. Nước đã đến chân rồi sao chưa nhảy?