AmCham nhận định xu hướng này sẽ tiếp tục trong các năm tới và dự kiến đến năm 2020,ấtkhẩuvàoMỹVNdẫnđầkq leeds xuất khẩu của VN vào Mỹ sẽ đạt xấp xỉ 57 tỉ USD, bỏ xa các nước còn lại trong khu vực.
Có đơn hàng đến hết năm
Gần một tháng nay, công nhân bộ phận xử lý sau thu hoạch của Công ty xuất nhập khẩu Hugo (TP.HCM) tất bật làm việc vì đã bước vào mùa cao điểm xuất khẩu thanh long sang Mỹ.
Công nhân phải làm hết công suất để đảm bảo lượng hàng xuất khẩu lên đến 80 tấn/tháng, tăng mạnh so với con số 20-30 tấn/tháng trước đó.
“Chúng tôi đặt kế hoạch xuất khẩu 400 tấn thanh long sang Mỹ trong năm nay, tăng 50 tấn so với năm ngoái” - ông Vương Đình Khoát, tổng giám đốc Công ty Hugo, cho biết.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào thị trường Mỹ trong những tháng cuối năm. Và theo dự báo, lượng thanh long tươi của VN vào Mỹ trong năm nay sẽ đạt khoảng 2.000 tấn so với 1.300 tấn của năm 2013.
Với ngành thủy sản, Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản VN với doanh số chín tháng đầu năm 2014 đạt trên 1,3 tỉ USD.
Ông Trần Thiện Hải, chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho hay lượng thủy sản VN sang Mỹ tăng mạnh là do xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng đột biến, kim ngạch đạt 820 triệu USD, tăng đến 51,2% so với cùng kỳ năm ngoái. VN cũng đang là thị trường cung cấp tôm lớn thứ ba cho Mỹ, chỉ xếp sau Indonesia và Ấn Độ.
Trong công bố điều chỉnh tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ vừa được đưa ra gần đây, AmCham đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng nhất thuộc về ngành dệt may.
Với mức tăng bình quân lên tới 14,85% tính từ tháng 9-2013 đến tháng 8-2014, dệt may Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc về giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ, bỏ xa các đối thủ nặng ký khác là Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia về kim ngạch xuất khẩu, vị trí xuất khẩu lẫn tốc độ tăng trưởng.
Theo khảo sát, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, giày dép, đồ gỗ cho biết họ đã có đủ đơn hàng đến hết năm, thậm chí “leo” qua năm sau do xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang VN ngày một nhiều.
Đại diện Công ty CP công nghiệp Đông Hưng cho biết đơn đặt hàng đã kín mít đến hết năm. Hiện toàn hệ thống công ty đã xuất khẩu được 1,78 triệu đôi giày sang thị trường Mỹ, trị giá khoảng 34 triệu USD, chiếm gần 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Đông Hưng.
“Họ (Mỹ) tăng lượng đặt hàng nhưng đồng thời cũng tăng các yêu cầu phức tạp hơn cho sản phẩm, nên áp lực cũng rất lớn” - ông Nguyễn Văn Lê, phó tổng giám đốc Công ty Đông Hưng, chia sẻ.
Có quy mô khá khiêm tốn, nhưng Công ty TNHH-SX-TM Vinh Thông cũng đã xuất khẩu được 5.000 đôi giày trị giá 175.000 USD sang Mỹ tính từ đầu năm đến nay.
“Chúng tôi xác định thị trường Mỹ sẽ là thị trường tiềm năng trong chiến lược phát triển nên công ty đang bước đi những bước rất nhỏ, nhưng rất vững chắc để có thể trụ được trong tương lai” - ông Nguyễn Văn Đức, trưởng phòng hành chính Công ty Vinh Thông, cho biết.
Theo ông Đức, dù thị trường Mỹ chỉ mới chiếm 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hiện nay của Vinh Thông, “nhưng nếu các thương thảo mà Vinh Thông đang đàm phán với khách hàng thành công, khả năng sẽ tăng lên 50.000-100.000 đôi giày/đơn hàng là hoàn toàn có thể”.
Theo số liệu thống kê của AmCham, xuất khẩu của VN vào Mỹ đã tăng trưởng liên tục trong suốt 15 năm qua. Năm 2000, VN mới chỉ xuất khẩu sang Mỹ khoảng 800 triệu USD thì dự kiến kết thúc năm 2014, VN sẽ xuất khẩu 29,4 tỉ USD (tăng gần 36 lần). Từ tỉ lệ khiêm tốn là 1% tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN vào Mỹ năm 2000, kết thúc năm nay VN sẽ chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực vào thị trường này. Đây cũng là lần đầu tiên VN vượt qua các đối thủ chính trong khu vực là Thái Lan, Malaysia và Indonesia để trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất khu vực vào thị trường Mỹ. Với đà tăng trưởng này, AmCham dự đoán xuất khẩu của VN vào Mỹ sẽ còn tăng mạnh trong các năm tiếp theo. Đến năm 2020, xuất khẩu của VN vào Mỹ đạt xấp xỉ 57 tỉ USD và chiếm 34,1% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực ASEAN vào thị trường này, đồng thời bỏ xa giá trị xuất khẩu của các nước còn lại. |
Nhiều hàng chất lượng cao
TS Nguyễn Hữu Đạt, giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, cho biết tính riêng trong chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả của VN (trong đó có thanh long) sang Mỹ đạt 41,5 triệu USD, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm ngoái, một con số khá ấn tượng.
Theo TS Đạt, với việc Mỹ đã chấp nhận mở cửa cho hai loại trái cây mới của VN là vải và nhãn, các loại rau quả nói chung của VN xuất sang thị trường Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, do thị trường mở rộng và có thêm các mặt hàng mới.
Không chỉ tăng về khối lượng, hàng chất lượng cao và giá trị gia tăng từ VN xuất khẩu sang Mỹ ngày một nhiều hơn. Ông Trần Thiện Hải cho biết xuất khẩu tôm của VN tăng mạnh trong thời gian qua do nguồn cung tôm từ Thái Lan ra thế giới vẫn thiếu hụt vì dịch bệnh.
Trong khi đó, VN nổi lên như một địa điểm sản xuất và chế biến các loại tôm chất lượng và hàng chế biến sâu, hàng giá trị gia tăng thay thế Thái Lan. Vì vậy, dù giá tôm của VN luôn cao hơn các thị trường xuất khẩu khác trong khu vực nhưng khách hàng vẫn đặt hàng từ phía VN.
Còn ông Phạm Phú Cường, chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Nhà Bè (NBC), cho biết hiện thị phần xuất khẩu vào Mỹ đang chiếm 35-40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của NBC.
“Đây là thị trường lớn, tương đối dễ tính. Nhưng phải có đẳng cấp mới ký được hợp đồng vì số lượng đặt hàng của họ luôn rất lớn, đòi hỏi khâu tổ chức sản xuất phải cực kỳ chuyên nghiệp mới đáp ứng được” - ông Cường nói.
So với năm 2013, năng lực cung ứng cho thị trường Mỹ đã được NBC tăng lên khoảng 15% “do công ty đã đáp ứng được nhiều đơn hàng có chất lượng cao, đòi hỏi tay nghề kỹ thuật điêu luyện của công nhân”.
Nhờ đó, một số mặt hàng đã được nhà nhập khẩu trả giá cao hơn 20-30% so với năm ngoái, chẳng hạn giá gia công một chiếc veston nam từ mức 7 USD nay đã tăng lên hơn 9 USD.
Theo các chuyên gia, xuất khẩu của VN sang Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2007. Việc VN đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang mở ra những cơ hội to lớn khác trong xuất khẩu thời gian tới.
Nhưng ngay từ thời điểm hiện tại, sức hút của các hiệp định này đã tác động tích cực đến sản xuất và xuất khẩu của VN vào Mỹ nói riêng và các thị trường thuộc TPP nói chung.
Cơ hội từ các hiệp định thương mại mới
Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), việc một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của VN sang Mỹ tăng trưởng mạnh trong thời gian qua “ngoài hấp lực từ TPP đang rất nóng, còn do có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang VN của các nhà đặt hàng, do Trung Quốc đang mất dần lợi thế cạnh tranh”.
Trong lĩnh vực da giày, ông Kiệt cho biết hiện có rất nhiều đơn hàng khó, phức tạp được chuyển sang VN sản xuất thay vì để lại Trung Quốc do chi phí nhân công tại Trung Quốc đang đắt hơn so với VN rất nhiều, trong khi tay nghề của nhân công VN lại rất điêu luyện.
“Cùng một điều kiện sản xuất, nhà đặt hàng chỉ muốn mất chi phí ít nhất cho nơi nào có thể làm ra được sản phẩm khó. Mà điều này thì VN đang được đánh giá rất cao” - ông Kiệt khẳng định.
Ông Phạm Phú Cường cho hay Mỹ là thị trường ổn định, nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là doanh nghiệp phải hết sức chủ động trong việc tổ chức sản xuất nếu đã quyết làm ăn với Mỹ.
“Khách đặt hàng Mỹ rất thực tế, một đơn hàng họ sẽ đặt 2-3 nơi, nên nhà sản xuất phải thể hiện được sự bản lĩnh, đáp ứng được mọi điều kiện cho nhà đặt hàng một cách an toàn nhưng không được dễ dãi. Vì nếu dễ dàng đáp ứng theo mọi yêu cầu của họ thì sẽ đối mặt với rủi ro không nhỏ” - ông Cường nói.
Với Công ty Vinh Thông, để xâm nhập được thị trường Mỹ, trước đó công ty đã cử hai nhân sự đi học thiết kế tại Ý, lập văn phòng đại diện tại Mỹ để nắm bắt các xu hướng thời trang mới nhất của ngành, đồng thời đầu tư hàng trăm ngàn USD cho khâu máy móc thiết bị mới có được các hợp đồng khiêm tốn 100-400 đôi giày/đơn hàng.
“Chúng tôi đang chuẩn bị nền móng thật chắc, thậm chí tự thiết kế tạo mẫu cho sản phẩm của mình để chào hàng, vì hiểu rằng muốn vào được thị trường Mỹ thì không thể cạnh tranh nổi với Trung Quốc nếu không có bản sắc riêng” - ông Đức chia sẻ.
Cần tăng thêm hàng giá trị gia tăng Theo ông Diệp Thành Kiệt, điều đáng quan tâm hiện nay là khi lượng đơn đặt hàng tăng lên, giá trị gia tăng có tăng lên tương ứng? “Nếu xét về tỉ lệ thì vẫn chưa có sự chuyển biến nhất định do hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực hiện nay vào Mỹ đều phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên vật liệu được chỉ định nhập khẩu, đặc biệt là dệt may và da giày” - ông Kiệt nhấn mạnh. Và với cơ cấu nguyên phụ liệu chiếm đến 60-65% trong giá thành sản phẩm, lại đang bị lệ thuộc hoàn toàn vào sự chỉ định nhập khẩu của nhà đặt hàng, việc các doanh nghiệp trong nước khó có thể nâng hàm lượng giá trị gia tăng thực thụ một khi khâu tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu vẫn chưa có lối ra thỏa đáng. |
Theo Tuổi trẻ
Hiệu trưởng trẻ nhất Việt Nam mơ ước về xuất khẩu giáo dục