Mới đây,ấygquavụclalừachiếmđoạttisảtài 3/3.5 Công an huyện Vị Thủy tiếp nhận 4 vụ tố cáo “cò lúa” trên địa bàn lừa gạt chiếm đoạt tài sản.
Ông Nguyễn Thanh Hùng đến Công an huyện Vị Thủy trình báo vụ việc.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, ở ấp 5, xã Vĩnh Trung, làm nghề mua lúa của nông dân trong và ngoài địa bàn huyện Vị Thủy khoảng 15 năm qua. Để mua được nhiều lúa, ông bắt mối với một số “cò lúa”, trong đó có ông N.M.T., ở ấp 9A2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy.
Hình thức mà ông Hùng kết hợp làm ăn với ông T. là sau khi người dân sạ lúa được vài ngày, ông Hùng muốn mua những loại giống lúa gì thì thông qua ông T. kiếm rồi đặt cọc trước để đến ngày thu hoạch sẽ thu mua sau. Số tiền ông T. đặt cọc hầu hết đều do ông Hùng đưa.
“Trong 2 năm 2018-2019, tôi đưa cho ông T. từ 40-50 triệu đồng/vụ để đặt cọc tiền mua lúa của nông dân. Đến khi thu hoạch lúa, ông T. đều thực hiện đúng với những gì đã cam kết theo hợp đồng nên tôi khá tin tưởng”, ông Hùng cho biết.
Cũng vì tin tưởng nên năm 2020, ông Hùng đưa ông T. 190 triệu đồng để đặt cọc mua lúa của người dân. Theo đó, trong hợp đồng giữa hai người, là ông T. sẽ cung cấp cho Hùng hàng chục tấn lúa, nhưng đến ngày thu hoạch chỉ nhận được vài tấn với tổng trị giá khoảng 20 triệu đồng.
Do quá bất ngờ vì bị chơi “kèo trên” nên ông Hùng yêu cầu ông T. phải thanh toán số tiền còn lại trong năm 2020 là 170 triệu đồng. Ông T. đồng ý. Thế nhưng, đến cuối năm 2020 và cả vụ Đông xuân 2020-2021, ông T. chỉ thanh toán cho ông Hùng 64 triệu đồng, còn thiếu 106 triệu đồng.
Vậy là cuối tháng 4 năm nay, giữa ông Hùng và ông T. xảy ra mâu thuẫn nên ông Hùng nhờ pháp luật can thiệp. Bởi theo ông Hùng, số tiền trên hầu hết đều vay ngân hàng mà có nên hàng tháng ông phải chịu áp lực trả gốc và lãi. “Ông T. thất hứa như thế thì tiền đâu tôi làm ăn, kinh doanh”, ông Hùng bức xúc.
Đây là 1 trong 4 trường hợp thương lái bị “cò lúa” lừa chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua trên địa bàn huyện Vị Thủy, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương.
Theo Đội điều tra Tổng hợp Công an huyện Vị Thủy, tổng số tiền mà 4 trường hợp bị 4 “cò lúa” chiếm đoạt là hơn 500 triệu đồng. Cả 4 đối tượng đều đăng ký thường trú huyện Vị Thủy. Hiện Công an huyện đã làm việc 2 đối tượng, 2 đối tượng còn lại trốn khỏi địa phương.
Qua làm việc với 2 đối tượng, thủ đoạn của chúng thực hiện là lợi dụng lòng tin của bị hại, vì trước đó làm ăn nhiều lần, đồng thời khi thương lái yêu cầu “cò lúa” kiếm lúa để mua lúc thu hoạch và đưa tiền cọc hầu hết không làm hợp đồng, chỉ nói miệng. Còn thương lái thì chưa rõ nhân thân của các “cò lúa”; khi đặt cọc xong cũng không kiểm tra địa điểm, hộ dân mình mua lúa.
Thiếu tá Võ Duy Khánh, Đội trưởng Đội Điều tra Tổng hợp Công an huyện Vị Thủy, thông tin, ngoài 4 vụ trên, thời gian qua, trên địa bàn huyện cũng xảy ra vài vụ liên quan đến “cò lúa” lợi dụng lòng tin chiếm đoạt tài sản của thương lái, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
“Sau khi nhận tố cáo của 4 bị hại ở 4 vụ trên, lãnh đạo Công an huyện chỉ đạo chúng tôi phải quyết tâm, mạnh tay xử lý nghiêm những trường hợp này. Chúng tôi đã thu thập, mở rộng điều tra và sớm đưa ra xử lý trước pháp luật”, thiếu tá Khánh cho biết.
Cũng theo thiếu tá Khánh, để tránh “cò lúa” lừa gạt chiếm đoạt tài sản, khi mua lúa hay đặt cọc với “cò lúa”, thương lái nên làm hợp đồng và có xác nhận của ngành chức năng, đồng thời biết lai lịch, nhân thân; kiểm tra, xác thực địa phương, người dân mà mình sắp mua lúa. Khi phát hiện những đối tượng có biểu hiện lừa gạt hay bị lừa gạt hãy kịp thời báo ngay với ngành chức năng, tránh để xảy ra xô xát...
Bài, ảnh: NHẬT TÂN