Sự ra đời của Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế thể hiện xu hướng phát triển. Môi trường đầu tư của tỉnh nhà khởi sắc rõ rệt. Thêm dịch vụ mới, đồng nghĩa với tăng tính cạnh tranh. Kéo theo chất lượng dịch vụ ngày càng tăng lên. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ năng động hơn và kinh tế sẽ phát triển tương xứng. Không những thế, qua đây còn cho thấy, lâu nay người dân thiếu đi một địa điểm, dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm… Chiếc “nam châm” mang tên Aeon Mall Huế như hút tất cả vào. Tối cuối tuần, trung tâm thương mại đông nghịt người. Khu vực quanh trung tâm có hạ tầng giao thông thuộc dạng thông thoáng nhất thành phố mà cũng bị tắc đường liên tục. Ngược lại, dạo quanh một vòng ở các đường Bà Triệu, Hùng Vương, Bến Nghé… những nơi nhộn nhịp của thành phố lâu nay đều có cùng một cảm nhận là không còn đông như trước. Nhất là tại đường Bà Triệu, khi đi ngang qua các quán ăn cũng nhận thấy thưa vắng khách đáng kể. Hay như tại một siêu thị trước đây khách rất đông, thì nay lượng khách đến với siêu thị giảm sâu so với trước. Sự ra đời của Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế, người hưởng lợi nhiều nhất là khách hàng. Thêm nhiều dịch vụ, khách hàng sẽ thêm lựa chọn trong việc tiêu tiền. Tất nhiên, xét về tâm lý khách hàng, với những lựa chọn mới, dịch vụ đẳng cấp, đa dạng và hấp dẫn hơn, khách hàng chắc chắn sẽ lựa chọn sử dụng. Xét về khía cạnh kinh doanh, khi có dịch vụ mới, sự cạnh tranh sẽ tăng lên. Điều này thể hiện rất rõ khi Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế đi vào hoạt động. Tính cạnh tranh này đã được dự báo từ trước. Không chỉ ở Huế mà tất cả mọi nơi đều diễn ra cùng chung kịch bản như thế. Trước tình hình này có hai vấn đề được đặt ra. Thứ nhất, liệu chăng các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị hay không cho kịch bản này để sẵn sàng có biện pháp giữ chân khách. Nhìn vào thực tế, ở tình huống thứ nhất xem ra chưa nhiều doanh nghiệp, nhà hàng chủ động triển khai vì lượng khách giảm rõ rệt. Hơn thế, những động thái như khuyến mãi, giảm giá, tổ chức các hoạt động tri ân khách hàng… ít được tổ chức. Thứ hai là, nếu chưa có sự chuẩn bị từ trước thì đòi hỏi sự thích ứng hiện tại như thế nào. Nếu các doanh nghiệp, nhà hàng ăn uống, cửa hàng kinh doanh… không thích ứng, đồng nghĩa là chấp nhận loại khỏi “cuộc chơi”. Trong kinh tế có khái niệm phân khúc thị trường. Dù Aeon Mall có sức hút mạnh như thế, vẫn có những dòng khách riêng chọn những điểm đến cũ, những giá trị mang tính truyền thống. Nếu như điểm đến đó có thêm những giá trị gia tăng mới, có những chương trình kích cầu, nâng cấp chất lượng dịch vụ… chắc chắn sẽ giữ được một phần khách hàng nhất định. Qua sự ra đời của Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế để thấy rằng, sự thích ứng trong kinh doanh luôn phải đặt ra. Các doanh nghiệp và cả hộ kinh doanh cá thể cần có phương án xử lý rủi ro trong kinh doanh. Điều này đã được chứng minh khi COVID-19 xảy ra. Những doanh nghiệp có xây dựng phương án rủi ro duy trì kinh doanh lâu hơn và phục hồi tốt hơn. Cũng từ dịch bệnh, các phương thức kinh doanh mới liên tục hình thành, như dịch vụ giao hàng trực tuyến phát triển nhanh chóng. Điều đó để nói lên rằng, trong bất kỳ khó khăn nào, cũng sẽ có lối đi mới nếu có sự thích ứng tốt. Không chỉ có lĩnh vực mua sắm, ăn uống, ngay cả các dịch vụ khác cũng đến lúc có sự chuẩn bị để thích ứng. Chẳng hạn như du lịch, càng ngày sẽ có những cơ sở lưu trú mới, cao sao, có chất lượng hình thành. Những cơ sở cũ, có vật chất không còn đảm bảo; hay những cơ sở có đội ngũ lao động tay nghề thấp sẽ chuẩn bị thích ứng như thế nào? Thương trường được ví như chiến trường, cạnh tranh khốc liệt vô cùng. Nếu không có những kịch bản thích ứng liên tục, nhanh nhạy sẽ khó để duy trì hoạt động lâu dài. |