(CMO) Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau Nguyễn Trần Thức cho biết, tỉnh đang xây dựng mô hình vùng sản xuất lúa an toàn bắt đầu từ vụ lúa hè thu năm nay. Mô hình này vừa đảm bảo an toàn cho người sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện môi trường, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Hiện nay, Sở NN&PTNT đang triển khai “Quy trình sản xuất lúa sạch đảm bảo tiêu chuẩn an toàn” và các tiêu chí về lúa sạch. Mục tiêu là nâng cao trình độ sản xuất của nông dân trồng lúa theo kỹ thuật tiên tiến, quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, đảm bảo tăng lợi nhuận cho người sản xuất.
Ông Nguyễn Trần Thức cho biết thêm, thời gian qua, nhiều lô hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu bị các đối tác trả về do dư lượng kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay xuất khẩu lúa gạo sẽ không còn dễ dàng như trước đây vì khách hàng đã bắt đầu yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Các đối tác nhập khẩu gạo cũng sẽ cử người đi kiểm tra các vùng lúa nguyên liệu, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất.
Hiện nay bà con nông dân đang cải tạo đất, vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu. |
Ông Lê Hoài Vũ, Giám đốc HTX Đồng Thuận, Ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, cho biết, sản xuất lúa theo quy trình sản xuất lúa sạch đảm bảo tiêu chuẩn an toàn giảm phân bón, thuốc hoá học so với cách canh tác truyền thống nên lúa hàng hoá sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao giá trị hạt lúa, tăng thu nhập cho nông dân, vừa đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Ông Vũ nhận định, khi xây dựng được vùng sản xuất lúa an toàn, chất lượng lúa được kiểm chứng sạch nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tự tìm đến ký kết bao tiêu sản phẩm. Đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.
Huyện Trần Văn Thời là vùng trọng điểm sản xuất lúa 2 vụ, với gần 30.000 ha. Phó chủ tịch UBND huyện Sử Văn Minh nhận định, mô hình sản xuất lúa an toàn là hướng đi mới trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất. Mô hình này đi theo hướng sản xuất bền vững, tạo được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp tổ chức liên kết sản xuất cánh đồng lớn cùng với việc bao tiêu đầu ra cho nông dân.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết, lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực được chọn để triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất mới được ngành nông nghiệp phối hợp cùng các nhà khoa học, các doanh nghiệp… hướng dẫn nông dân thực hiện. Hiện Sở NN&PTNT đang triển khai mô hình sản xuất lúa an toàn.
Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ quy hoạch các điểm đang sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng vùng sản xuất lúa sạch. Đi đôi với quy hoạch vùng bảo vệ đất đai, nguồn nước, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thường xuyên giám sát quá trình sản xuất, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia.
"Khi doanh nghiệp đồng hành với nông dân thì vấn đề tiêu thụ, thị trường cũng được giải quyết", Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh khẳng định./.
Theo kế hoạch xuống giống vụ lúa hè thu năm nay, các huyện vùng trọng điểm sản xuất lúa 2 vụ như: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP. Cà Mau sẽ xuống giống 36.400 ha. Hiện ngành chuyên môn đã xây dựng và triển khai khung lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa cho từng địa phương. Theo đó, bà con nông dân đã làm đất được gần 30.000 ha, sạ khô gần 1.000 ha. |
Trung Đỉnh