Nhưng mối quan hệ của Đông Nam Á với đại dương không chỉ mang ở lĩnh vực khai thác. Ngành lặn biển được định giá hơn 4 tỷ USD/năm, và rừng ngập mặn giúp bảo vệ hàng nghìn sinh mạng trước sóng thần và bão lũ. Sự phụ thuộc vào đại dương của Đông Nam Á rõ ràng là rất đáng kể và đã có những ví dụ điển hình về nỗ lực bảo vệ các nguồn tài nguyên này, bao gồm 2 triệu ha khu bảo tồn biển ở Raja Ampat, Indonesia và hơn 96.000ha khu bảo tồn biển ở Công viên biển Philippines. Tuy nhiên, ngoài những điểm sáng hy vọng này, chỉ có chưa đến 4% các vùng biển ở Đông Nam Á được bảo vệ chính thức, thấp hơn mức trung bình toàn cầu là khoảng 8%. Độ bao phủ khu bảo tồn biển thấp của khu vực càng làm trầm trọng thêm tỷ lệ mất đa dạng sinh học biển vốn đã đáng báo động, với tỷ lệ đánh bắt ở Biển Đông giảm tới 75%, và gần 60% cá mập và cá đuối ở Đông Nam Á hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng. Trước tình hình đó, giới chuyên môn cho rằng, cần phải thúc đẩy các quốc gia tăng cường cam kết trong việc thành lập và bảo vệ các khu bảo tồn biển. Sáng kiến 30 x 30 Sáng kiến 30 x 30 là mục tiêu toàn cầu nhằm chỉ định 30% đất đai, nước ngọt và đại dương trên thế giới là khu vực được bảo vệ vào năm 2030, đã được hơn 190 quốc gia thông qua tại Hội nghị Đa dạng sinh học của LHQ lần thứ 15 vào tháng 12/2022. Tuy nhiên đến nay, chí có 4 trong số 11 quốc gia Đông Nam Á, gồm Campuchia, Philippines, Thái Lan và Timor-Leste, tham gia Liên minh Tham vọng cao vì Thiên nhiên và Con người - một liên minh liên chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu này. Dù là một mục tiêu “đầy tham vọng” nhưng hai cuộc khủng hoảng kép về mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu đã đặt ra yêu cầu phải bảo vệ các khu vực hoang dã trên Trái đất, nhằm đảo ngược tình trạng mất môi trường sống và các loài, trong đó các khu bảo tồn biển được xem là một công cụ quan trọng để khôi phục hệ sinh thái biển. Thực tế, rào cản của Đông Nam Á trong việc thành lập các khu bảo tồn biển là tài chính, kinh tế xã hội và chính trị, điều này có thể giải thích cho sự do dự của một số quốc gia trong việc cam kết thực hiện mục tiêu toàn cầu 30 x 30. Tuy nhiên, việc chỉ định các khu bảo tồn biển có thể tăng lên thông qua cách tiếp cận phù hợp với bối cảnh của khu vực, trong đó cần xem xét đến quy mô của khu bảo tồn được công bố. Một cách tiếp cận khác cũng đang trở nên phổ biến là các khu vực biển này được quản lý ngay tại địa phương - nơi cộng đồng trực tiếp tham gia vào quy hoạch và quản lý khu vực để tạo ra các sáng kiến bảo vệ thiên nhiên, đồng thời vẫn hỗ trợ sinh kế của họ. |