Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình dịch bệnh dại ở động vật trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của ngành Thú y, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 ổ dịch bệnh dại thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn; đa số các ổ dịch xảy ra trên chó vô chủ, chưa được tiêm phòng và đã có 2 trường hợp tử vong. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động, khẩn trương phối hợp với sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh dại trên động vật. Chỉ đạo lực lượng thú y các cấp tăng cường rà soát, kiểm tra, thực hiện nghiêm kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2024 trên địa bàn; rà soát việc thực hiện công tác tiêm phòng theo các văn bản chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương và của lãnh đạo UBND tỉnh; qua đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Chủ động chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, đơn vị xử lý ngay các ổ dịch, tiêu độc, khử trùng, không để lây lan dịch bệnh; kịp thời tổng hợp, báo cáo tình hình dịch bệnh, các khó khăn, vướng mắc phát sinh (vượt thẩm quyền) và đề xuất biện pháp xử lý về UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo. Nhân viên Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi. Các địa phương chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chức năng chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng chống bệnh dại đúng quy định pháp luật về thú y, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại và Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 về tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng chống bệnh dại; Kế hoạch số 708/KH-UBND ngày 4/3/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả, không để lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, trong trường hợp cần thiết, thành lập các tổ lưu động (các sở, ngành có liên quan cử lực lượng tham gia, hỗ trợ các tổ lưu động; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc tiêm phòng tại các tổ lưu động) tại cấp xã, trực tiếp đến từng hộ dân có nuôi động vật (chó, mèo...) để tuyên truyền, kết hợp tiêm vắc xin phòng chống bệnh dại cho động vật nuôi; trước mắt, tập trung thực hiện tại các khu vực đã xuất hiện bệnh dại; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm quy định pháp luật hoặc không tuân thủ các quy định trong việc nuôi, quản lý động vật nuôi, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo đúng quy định của pháp luật.
Quỳnh Anh
|