Hoạt động xuất nhập khẩu trong quý I/2024 có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh tư liệu |
PV:Tăng trưởng GDP trong quý I/2024 đạt 5,66%, vượt mục tiêu đề ra, theo ông, những lĩnh vực nào đang là điểm sáng hỗ trợ tăng trưởng?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong quý I/2024 đạt 5,66%. Đây là con số tăng trưởng khá ngoạn mục, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Con số này càng có ý nghĩa tích cực hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn rất nhiều khó khăn, nhiều nền kinh tế lớn vẫn tăng trưởng rất chậm chạp, thiếu khởi sắc dẫn đến trong tháng 3/2024 hầu hết các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024.
Có thể nói, trong quý I, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm 2023, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 khu vực, đạt 6,28%, mức này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng được các tổ chức kinh tế dự báo.
Hoạt động xuất nhập khẩu trong quý I/2024 cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; thặng dư thương mại quý I của cả nước là 8,08 tỷ USD (quý I/2023, thặng dư thương mại cả nước chỉ đạt hơn 4 tỷ USD).
Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng về tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng, xuất khẩu thì khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ lại mới chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn hơn, lần lượt là 2,98% và 6,12%, thấp hơn mức tăng trưởng kỳ vọng.
PV:Bên cạnh những lĩnh vực khả quan trong quý I, theo ông, vẫn còn những lĩnh vực nào dự báo ảnh hưởng đến tăng trưởng quý II/2024?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Mặc dù mức tăng trưởng cao về kinh tế quý I/2024 được xem là tín hiệu tích cực và khả quan cho cả năm 2024, tuy nhiên nền kinh tế nước ta vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không hề nhỏ, những khó khăn thách thức này luôn trực chờ đe dọa đến khả năng duy trì đà tăng trưởng của những quý tiếp theo của năm.
Khó khăn thách thức đầu tiên phải kể đến là tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm. Yếu tố lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn, nhất là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản vẫn đang là bất định. Yếu tố bất ổn về địa chính trị trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp, giá nhiên liệu, xăng dầu và vật tư đầu vào nhập khẩu của các doanh nghiệp vẫn chưa ổn định gây áp lực rất lớn đến mặt bằng giá cả và tỷ lệ lạm phát trong nước. Diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư trong thời gian tới của Việt Nam.
Khu vực sản xuất nội địa vẫn đang còn nhiều khó khăn, thị trường trong nước vẫn còn khá trầm lắng, nhất là thị trường bất động sản. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có tăng nhưng còn khá chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra… những vấn đề trên nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ tăng trưởng quý II và những quý tiếp theo của năm 2024.
PV:Nhiều tổ chức quốc tế nhận định, trong những quý còn lại của năm, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát cao, cầu thương mại và tiêu dùng vẫn thấp, xu hướng phục hồi chậm, xung đột Nga - Ukraine ngày càng phức tạp… sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế trong nước. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cần thúc đẩy những động lực nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Như trên đã nói, mặc dù mức tăng trưởng cao về kinh tế của quý I/2024 là dấu hiệu lạc quan và tích cực, tuy nhiên khó khăn và thách thức cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế vẫn còn rất lớn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, cần nhận diện rõ những tiềm năng, động lực kinh tế mới để thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, xuất khẩu được xem là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024.
Mức tăng trưởng xuất khẩu 15,5% trong quý I/2024 được xem là một điểm sáng thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng theo trong bối cảnh thị trường nội địa đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong những quý tới, cần mở rộng thị trường, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu những sản phẩm Việt Nam có lợi thế bên cạnh những thị trường truyền thống.
Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ trong quý I tăng trưởng còn khá khiêm tốn, nhất là dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới đang có chiến sự nổ ra, bất ổn về chính trị tăng cao thì Việt Nam là một đất nước ổn định, được xem là có cơ hội rất lớn để thu hút khách du lịch quốc tế. Ngành du lịch cần đẩy mạnh quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ với mức chi phí phù hợp thì sẽ khai thác được cơ hội phát triển trong thời điểm hiện nay.
Tôi cho rằng, năm 2023 là năm đánh dấu sự tăng trưởng ngoạn mục về giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, năm 2024 đầu tư công vẫn được xem là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ và các bộ ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa, quyết liệt nhiều hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án lớn, nhất là các dự án hạ tầng giao thông quan trọng để sớm đưa các dự án này vào khai thác sử dụng, sẽ tạo ra tác dụng kép trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tăng trưởng quý I tạo đà tích cực cho cả năm TS. Nguyễn Văn Hiến cho hay, theo quy luật diễn biến về tăng trưởng kinh tế thời gian qua ở nước ta cho thấy, mức tăng trưởng cao của quý I/2024 sẽ tạo đà tăng trưởng tích cực cho cả năm. Chẳng hạn những năm 2018, 2019 mức tăng trưởng của quý I đạt trên 7% thì cả năm cũng đạt mức tăng trưởng cao trên dưới 7%. Vì vậy, có thể nói tốc độ tăng trưởng quý I sẽ là tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. |