Ông Cháu cẩn thận cắt tóc cho khách Già nhưng tân thời Dừng chân tại quán cắt tóc vỉa hè bên hông chùa Diệu Đế,âykéotuổinghề6 mặt bầu cua phía đường Chùa Ông (phường Phú Cát, TP Huế), tôi leo lên ghế với vai trò là một vị khách. Mặc dù khách đợi, những đường kéo của người thợ già làm vẫn chậm rãi, từ tốn. Xong khâu cầm kéo, tông-đơ, ông lại tiếp tục với phần việc cạo mặt, váy tai. Bù lại cho đôi mắt già yếu, cái tâm với nghề khiến ông làm việc kỹ lưỡng hơn nên không chỉ tôi mà bất cứ người khách nào cũng mỉm cười sau khi qua tay cây kéo lão làng này. Điểm đặc biệt mà người ta luôn thấy trên môi ông khi làm việc là một nụ cười hiền hậu. Ông Cháu tâm sự, năm 1946, ông vô Quảng Ngãi thăm người thân, rồi ở lại trong đó học luôn nghề tóc và sống với nghề ở đất khách. Chín năm sau, lần trở lại quê hương cũng là cơ duyên để ông sắm đồ nghề mưu sinh nơi quê cha đất tổ. Xin dựng tạm quán gần phía trước chùa Diệu Đế làm gần 45 năm, sau đó chuyển vào bên hông chùa (từ năm 2000), thế nhưng với ông, quán thì tạm còn nghề rất bền. Ông tâm sự, thời làm trước chùa Diệu Đế rất đông khách, có ngày đầu tắt mặt tối, thêm mấy đứa học trò vẫn làm không kịp. Đam mê chính là yếu tố khiến ông quyết giữ nghề. Nhìn lên tấm bạt đã bạc màu, ông mỉm cười: “Tấm bạt này chịu nắng mưa cùng ôn cũng dài ngày rồi. Chỉ có bão lụt mới nghỉ chứ mưa lạnh ôn vẫn ra đây làm. Gia cảnh con cái không khá giả nhưng tụi nó vẫn khuyên ôn nghỉ. Mà nghỉ ở nhà buồn lắm, đam mê rồi chỉ khi nào khách chê mới thôi. Cứ dọn ra năm bảy ngày mà không ai tới làm là biết mình xuống tay, lúc đó sẽ tự động nghỉ ngơi”. Để sống được với nghề trong môi trường hiện đại, cụ ông 87 tuổi thường xuyên cập nhật các kiểu tóc mới để hợp thời. Ông trải lòng, “mốt” nào trên truyền hình chiếu ông cũng tìm hiểu. Nhờ đó, không chỉ những vị khách đứng tuổi, nhiều người trẻ khi tìm đến ông yêu cầu kiểu tóc của diễn viên này, ca sĩ nọ, ông vẫn đáp ứng được. Điều mà người thợ cắt tóc này tâm đắc khi giữ nghề chính là được giao tiếp học hỏi với nhiều đối tượng. Ông bảo, từ người cán bộ đến anh xích lô, già trẻ, thi sĩ ông đều có dịp được phục vụ. Những lần làm nghề và trò chuyện khiến ông chiêm nghiệm ra nhiều thứ trong cuộc đời, kiến thức cũng mở mang hơn. Theo ông Cháu: “Cắt tóc là nghề không giàu nhưng thanh nhàn. Cuộc đời khi gặp gỡ, tiếp xúc và có nhiều bạn bè đủ ngành nghề, lứa tuổi thì cũng là liều thuốc tinh thần giúp con người trở nên vui vẻ”. Tân cũng... mê Câu chuyện thú vị nhất mà “cây kéo” lão làng kể là có những người trở thành khách ruột của của ông từ khi mới khai trương nghề ở Huế. Ông Cháu tâm sự, có người nay đã mất, cũng có khách già thỉnh thoảng vẫn nhờ con cháu chở đến. “Cái răng, cái tóc là vóc con người. Niềm vui của ôn là giữ cái vóc đó cho người khác suốt mấy chục năm nay, có người từ trẻ cho đến khi mất. Phục vụ họ là một niềm vui, nhưng cũng là cái duyên giữa người và người, không phải ai cũng gặp gỡ rồi gắn bó với nhau từng ấy thời gian”. Hơn 60 năm bén duyên với nghề, cụ ông 87 tuổi đã đào tạo ra 12 người học trò sống tốt với nghề. Những người thợ đó đều được ông dạy nghề miễn phí và lo luôn chuyện cơm nước. Kỷ niệm nào khiến ông nhớ mãi? – Tôi hỏi. Ông điềm nhiên trả lời: “Đó là những vị khách nước ngoài thỉnh thoảng ghé thăm và thuê ôn cắt tóc. Ôn có một người khách sống ở Pháp lấy vợ Việt Nam. Anh ni biết nói tiếng Việt, mỗi lần về nước anh lại tới đây. Mấy ngày Tết vừa rồi về Việt Nam, anh tìm đến ôn làm rồi lì xì. Nhờ mấy người khách nước ngoài nớ mà thông tin ôn cắt tóc đi tận trời Tây”. Ông Hoàng Ngọc Long (60 tuổi), sống ở đường Nguyễn Du (phường Phú Cát) đến cắt tóc kể: “Tui làm khách của ôn đã 20 năm. Tui thích ôn cắt tóc, cạo mặt, váy tai vì ôn làm kỹ, nhẹ nhàng”. Sau lời khen của vị khách ấy, ông Cháu cũng mỉm cười mãn nguyện: “Làm nghề cũng như hình thức thể dục cho người khỏe. Và còn khách khen là còn người cần ôn. Đó cũng là lý do vì răng ôn đam mê...”. Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc |