Ngành thép trước sức ép giá nhập khẩu nguyên liệu tăng cao | |
Lo ngại xu hướng tăng giá nguyên liệu sản xuất | |
Phát triển thị trường trong nước gắn với tự hào hàng Việt |
Ngành da giày, dệt may vẫn nhập khẩu hơn 8 tỷ USD nguyên liệu trong 4 tháng năm 2021. Ảnh: H.Dịu |
Bài toán nguyên liệu
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện hầu hết doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết tháng 6, thậm chí là tới tháng 7, tháng 8… Thị trường xuất khẩu chính vẫn là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Các thị trường này càng thêm thuận lợi khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực như EVFTA… Còn theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến ngành da giày, nhất là vấn đề nguồn cung nguyên liệu và nhân công. LEFASO cho biết, hiện nay, nguồn cung nguyên, phụ liệu cho ngành da giày đang phụ thuộc tới 60% vào hàng nhập khẩu. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nhà sản xuất da giày của Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 8,39 tỷ USD, tăng mạnh 22% (tương ứng tăng 1,51 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày của Việt Nam với 4,19 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 50% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này.
Các chuyên gia đánh giá, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu không chỉ khiến doanh nghiệp gặp khó về giá cả mà còn khó đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ theo các FTA. Về giá cả, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) cho hay, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2021, giá bông nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam đạt trung bình 1.625 USD/tấn, tăng 0,87% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn về quy tắc xuất xứ, tiêu biểu như thị trường châu Âu, EVFTA quy định các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguyên liệu (da, vải) nhập khẩu từ bất cứ nước nào cùng có FTA với Việt Nam và EU, với điều kiện sản phẩm cuối cùng làm tại Việt Nam…
Hỗ trợ để tìm đáp án
Có thể thấy, vấn đề nguyên phụ liệu nêu trên đã được nhắc đến nhiều, nên trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp đều đã và đang tìm phương án giải quyết vấn đề. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, cơ hội tăng xuất khẩu sang châu Âu đã trở thành động lực để các nhà sản xuất nguyên phụ liệu mạnh dạn bỏ vốn đầu tư nhà máy, chuẩn bị và cung ứng nguyên phụ liệu "made in Vietnam" nhiều hơn.
Thực tế cho thấy, gần đây, không ít dự án đầu tư mở rộng sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may đã được công bố. Chẳng hạn, mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận điều chỉnh tăng thêm 610 triệu USD mở rộng năng lực sản xuất các sản phẩm xơ tổng hợp polyester, sản phẩm kéo sợi cotton cho Công ty TNHH Polytex Far Eastern thuộc Tập đoàn Far Eastern. Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ đã thông báo khởi động lại dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex tại Tây Ninh. Đây là dự án có tổng công suất 60.000 tấn, tập trung vào phân khúc sợi tái chế, sợi có chất lượng cao và sợi đặc biệt. Tổng công ty May Việt Tiến cũng đã lên kế hoạch đầu tư nhà máy vải thông qua việc thành lập Công ty TNHH Việt Thái Tech. Công ty Cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) cũng có kế hoạch đầu tư nhà máy nhuộm và đan của dự án Vĩnh Long trong năm 2022 để hoàn thiện chuỗi cung ứng…
Hay với ngành thép, giá nguyên liệu tăng cao chóng mặt, nên lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết Công ty sẽ nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý để có thể sớm khởi công Dự án Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất 2, với mục tiêu sản xuất 8 triệu tấn thép thô. Hiện tất cả các Khu liên hợp sản xuất gang thép của Hòa Phát đều đã phát huy hết công suất thiết kế để phục vụ nhu cầu thị trường. Lũy kế 4 tháng, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất hơn 2,7 triệu tấn thép thô, tăng 58% so với cùng kỳ 2020. Nhờ chủ động được nguyên liệu thép cuộn cán nóng (HRC), trong tháng 4, lượng ống thép bán ra của Hòa Phát đạt 87.000 tấn, tăng 44,5% so với cùng kỳ. Sản phẩm tôn mạ tăng trưởng 55%...
Nói thêm về việc chủ động nguồn nguyên liệu từ doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chia sẻ, kinh nghiệm của doanh nghiệp là chủ động tăng cường dự trữ nguyên liệu cho sản xuất, tránh tình trạng "ăn đong" trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vị này cho rằng, riêng với ngành chăn nuôi, thị trường trong nước cũng có nhiều nguyên liệu phục vụ chăn nuôi như phụ phẩm chế biến cá, tôm… mà doanh nghiệp có thể tận dụng, không nên quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Tuy nhiên, để thực sự phát triển về nguyên phụ liệu, các doanh nghiệp cho rằng cần có sự hỗ trợ về tài chính, cụ thể là có cơ chế ưu đãi cho vay tài chính hoặc giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có nguồn lực tạo sản phẩm chất lượng mà đỡ cạnh tranh về giá với sản phẩm nhập khẩu.