Mới đây, Cục Hải quan Hải Phòng đề nghị các bộ, ngành chức năng một loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.
Đó là quy định áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành; ban hành danh mục quản lý chuyên ngành theo mã số HS để thực hiện thống nhất; mở rộng tổ chức kiểm tra chuyên ngành được chỉ định; loại bỏ sự chồng chéo trong quản lý, kiểm tra với cùng một mặt hàng…
Bên cạnh đó, Hải quan Hải Phòng đề nghị các bộ, ngành áp dụng việc giảm tỷ lệ kiểm tra dựa trên đánh giá tuân thủ của DN; thông báo kết quả kiểm tra tới DN và cơ quan Hải quan để chủ động tra cứu giúp giảm được thời gian thông quan…
Thực tế từ công tác quản lý ở cơ sở, Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng, hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập như số lượng hàng hóa phải kiểm tra lớn, cách thức thực hiện phức tạp ảnh hưởng đến thời gian thông quan.
Mặt khác, vẫn tồn tại tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý của nhiều cơ quan, bộ, ngành, như trường hợp hàng hóa vừa phải có Giấy chứng nhận hợp quy vừa phải có Giấy chứng nhận điều kiện nhập khẩu…
Ngoài ra, việc tra cứu thông tin kết quả kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia còn nhiều hạn chế do chưa có chức năng theo dõi, trừ lùi giấy phép với lô hàng nhập khẩu nhiều lần; chưa có chức năng tự động thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên ngành đến cơ quan Hải quan…
Đáng chú ý, Cục Hải quan Hải Phòng đưa ra thông tin hết sức đáng quan tâm là số lượng tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành lớn nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm rất ít và chủ yếu liên quan đến vi phạm hành chính.
Cập nhật trong quý I/2018, toàn Cục có 32.896 tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành (chủ yếu là hàng hóa nhập khẩu) nhưng cơ quan quản lý chuyên ngành chỉ phát hiện 36 tờ khai vi phạm, tương đương tỉ lệ 0,1%, với hành vi chủ yếu là chậm nộp kết quả kiểm tra.
Hay trong năm 2017, toàn Cục có 134.871 tờ khai thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, nhưng số lượng phát hiện vi phạm chỉ là 272 tờ khai, tương đương 0,2% và hành vi chủ yếu vẫn là chậm nộp kết quả.