TS Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đã chỉ ra những dòng thuế cắt giảm đáng lưu ý, có tác động lớn tới giảm thu ngân sách và giải pháp đảm bảo nguồn thu.
* PV: Thưa ông, việc cắt giảm các dòng thuế quan trọng trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đã tác động tới số thu ngân sách. Như vậy, theo ông liệu đây có là điều đáng lo ngại đối với nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong thời gian tới?
- TS. Nguyễn Viết Lợi:Việc cắt giảm các dòng thuế quan trọng trong TPP và FTA sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu NSNN nhưng không đáng ngại. Bởi vì việc cắt giảm các dòng thuế sẽ trực tiếp làm giảm nguồn thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) nhưng chính nó kích thích làm tăng kim ngạch XNK, và như vậy gián tiếp làm tăng thu cho NSNN thông qua các sắc thuế khác như thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hàng hóa nhập khẩu.
Hơn nữa, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhập khẩu của Việt Nam từ các nước TPP chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong số 11 nước thành viên TPP, Việt Nam đã ký kết FTA với 6/11 nước, nhập khẩu từ 5 nước còn lại chỉ chiếm khoảng hơn 5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy, có thể nói mức ảnh hưởng tới thu NSNN là không nhiều.
Ngoài ra, việc cắt giảm thuế nhập khẩu làm giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp (DN) sử dụng máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu nhập khẩu, tạo điều kiện để DN giảm giá thành sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, từ đó góp phần làm tăng nguồn thu từ các loại thuế khác như thuế GTGT và thuế TNDN đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
|
Thực tế trong thời gian qua, thu ngân sách từ hoạt động XNK tính về số tuyệt đối vẫn tăng, chỉ có tỷ trọng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tổng thu NSNN là giảm từ khoảng 21% giai đoạn 2001 - 2005 xuống còn hơn 18% giai đoạn 2011 - 2015. Điều này cho thấy những tác động tích cực của các hiệp định này đối với sản xuất, thương mại và thu NSNN.
PV: Ông có thể cho bạn đọc thông tin cụ thể hơn những dòng thuế cắt giảm đáng lưu ý và có tác động lớn tới giảm thu ngân sách?
- TS. Nguyễn Viết Lợi:Theo cam kết TPP thì những dòng thuế cắt giảm đáng lưu ý và có tác động lớn tới giảm thu ngân sách bao gồm:
Đối với hàng hóa nhập khẩu thì một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn hoặc có mức thuế suất cao như máy móc thiết bị, sắt thép, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử, vải… sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi TPP có hiệu lực hoặc có lộ trình cắt giảm từ 4 - 6 năm.
Đối với hàng hóa xuất khẩu thì trong TPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5 - 15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Còn một số nhóm mặt hàng quan trọng như than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.
PV: Vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các cam kết về thuế trong hội nhập, theo quan điểm của ông, ngành Tài chính cần thực hiện các giải pháp gì nhằm đảm bảo cân đối ngân sách, tạo điều kiện để tận dụng nguồn lực phát triển cho nền kinh tế?
- TS. Nguyễn Viết Lợi:Mặc dù việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế về tổng thể và dài hạn không làm suy giảm nguồn thu, nhưng về trực tiếp và trước mắt cũng có những ảnh hưởng nhất định. Do đó, để có thể đảm bảo thu ngân sách, tạo điều kiện tận dụng nguồn lực phát triển kinh tế từ các FTA và TPP thì ngành Tài chính đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, để có thể đáp ứng nhu cầu chi ngày càng tăng của NSNN (chi cho đầu tư phát triển, chi trả nợ, chi cải cách tiền lương…), ngành Tài chính tiếp tục điều chỉnh chính sách thu NSNN theo hướng huy động từ thuế và phí ở mức hợp lý, kết hợp với sửa đổi, bổ sung các chính sách thu nội địa phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư kinh doanh, tạo sự bình đẳng trong xã hội, qua đó tăng thêm nguồn thu cho NSNN nhằm bù đắp số giảm thu từ thuế XNK.
Thứ hai, trong giai đoạn 2016 - 2020, khi các hiệp định thương mại đi vào giai đoạn cắt giảm thuế sâu thì ngành cần tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ theo dõi và đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết đến thu ngân sách, đến tình hình sản xuất kinh doanh trong nước và tác động đến từng ngành nghề cụ thể cũng như tới toàn bộ nền kinh tế; từ đó kịp thời đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được các lợi thế do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.
Thứ ba, việc cắt giảm thuế theo các hiệp định thương mại sẽ mang lại nhiều thách thức cho khu vực DN trong nước nhưng cũng là cơ hội để đẩy mạnh cải cách, phát huy vai trò và hiệu quả của khu vực DNNN; đồng thời đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh của các DN, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, tạo điều kiện cho việc nuôi dưỡng nguồn thu.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, nợ đọng thuế. Đẩy mạnh các biện pháp quản lý, chống buôn lậu và gian lận thương mại, chống chuyển giá…
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút vốn đầu tư, đồng thời tiết kiệm nguồn lực thời gian và công sức của cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế.
PV: Xin cảm ơn ông!
H.TR (thực hiện)