Theo Bộ Tài chính, thời gian qua Bộ nhận được ý kiến trao đổi vướng mắc của một số bộ, ngành, địa phương về áp dụng hình thức văn bản quy định các cơ chế, chính sách, quyết định giá, điều chỉnh giá (khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu, giá cụ thể…) đối với các hàng hóa, dịch vụ trong danh mục nhà nước định giá.
Về vấn đề này, tại thông báo vào đầu năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã chỉ đạo rõ: Đẩy mạnh rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá để khắc phục những tồn tại, hạn chế, những vấn đề còn chồng chéo; nhất là nghiên cứu để ban hành hình thức văn bản quyết định giá đáp ứng yêu cầu đặt ra cho công tác quản lý, điều hành giá đòi hỏi phải kịp thời theo mục tiêu quản lý.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, qua đó cho thấy có sự không thống nhất trong việc áp dụng hình thức văn bản, nhất là đối với trường hợp quyết định giá, điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ cụ thể (có trường hợp áp dụng hình thức văn bản quy phạm pháp luật, có trường hợp áp dụng hình thức văn bản cá biệt). Nguyên nhân chính là do cách hiểu chưa thống nhất về các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Giá.
Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương thống nhất thực hiện về nguyên tắc áp dụng hình thức văn bản. Theo đó, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, các bộ, ngành, địa phương trong từng trường hợp cụ thể, lựa chọn áp dụng hình thức phù hợp theo một số nguyên tắc.
Ví dụ, trường hợp quy định nội dung hướng dẫn thực hiện các cơ chế chính sách chung về quản lý nhà nước về giá, các cơ chế quản lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ cụ thể, thì phải ban hành theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Trong trường hợp nội dung chỉ giới hạn phạm vi thực hiện quyết định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ cụ thể thuộc thẩm quyền, thì áp dụng ban hành văn bản dưới hình thức văn bản cá biệt. Căn cứ vào trường hợp cụ thể về yêu cầu quản lý, điều hành giá của hàng hóa, dịch vụ, để từ đó lựa chọn hình thức văn bản là quyết định (cá biệt) hoặc nghị định (cá biệt) theo đúng quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư.
Trường hợp văn bản đồng thời có nội dung quy định cả về cơ chế quản lý chính sách về giá và nội dung quyết định giá, điều chỉnh giá của hàng hóa, dịch vụ, phải được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài các vấn đề nêu trên, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt, hướng dẫn các đơn vị chuyên môn, các sở, ngành thuộc tỉnh để triển khai thực hiện; bảo đảm kịp thời triển khai các nhiệm vụ theo phân công đúng quy định.
Trong đó, đối với việc xây dựng các cơ chế quản lý, nguyên tắc, phương pháp, định mức tính giá phải đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng để mọi đối tượng chịu tác động, các cơ quan cấp trên có thể kiểm tra, giám sát và cho ý kiến theo đúng nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Trên cơ sở các quy định chung đã được xây dựng, việc quyết định giá, điều chỉnh giá của các hàng hóa, dịch vụ vẫn phải đảm bảo quy trình rà soát, đánh giá kỹ phương án giá, nhằm đưa ra mức giá phù hợp, tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên theo đúng quy định./.
Minh Anh