BP - Sau tết Nguyên đán Mậu Tuất,ng mlịch kèo bóng đá hôm nay gia đình tôi mới thu xếp về quê thăm mẹ được một tuần. Mới được hai ngày, chị Hai đã thì thào bảo tôi phải đi giải hạn. Tôi nói gia đình vẫn yên lành, có gì đâu mà phải giải hạn? Chị nghiêm mặt nói: “Dì đúng là vô sư vô sách. Dì tuổi Quý Mão, năm nay đội sao Vân Hớn là tai tiếng, rối ren, rất xấu. Năm nay, hạn của dì là Ngũ mộ, phải cẩn thận chuyện sức khỏe và cảnh giác tai nạn tàu xe”. Rồi chị chốt: “2018 còn là năm tam tai của dì, có thể xảy ra những việc chẳng lành cả ở phương diện việc làm, tài chính và tình cảm nữa nên cần phải đi giải hạn!” Chiều lòng chị, tôi đành ngoan ngoãn theo. Chị Hai dẫn tôi tới một điện thờ do một phụ nữ chừng bốn mươi tuổi làm chủ, cách nhà gần 30 cây số. Khi chị em tôi tới đã có trên chục người đứng đợi trong sân. Hỏi chuyện một phụ nữ trung niên từ thành phố đến, bà thì thào bảo: “Cô” giỏi lắm. Con gái tôi lấy chồng 3 năm mà chẳng có con. Nghe có người mách, tôi xuống xin cô cúng kiếng, giải hạn, giờ nó đã mang thai bé trai hơn 6 tháng. Em trai tôi muốn bán nhà mà mãi không bán được, cô cúng giải hạn cho, mới 3 ngày đã bán được nhà. Từ đó năm nào tôi cũng chạy xe hơn 50 cây số đến đây nhờ cô giúp”. Đến lễ hội Yên Tử mà nhiều người đội cả lễ mặn là gà luộc lên dâng cúng - Nguồn ảnh: Báo giao thông Chị Hai là khách quen nên được cô ưu tiên gọi vào trước. Lần này chị Hai muốn gọi hồn cha tôi xem ông cụ có cần gì thêm không. Chị thành kính đặt tờ 200 ngàn đồng lên đĩa, tôi thấy cô liếc rất nhanh, dằn đồng xu, xuýt xoa một hồi rồi nói nhỏ với chị: “Đặt thêm lễ đi”. Chị Hai vội vàng rút thêm tờ 100 ngàn, cô lắc đầu, nói 300 ngàn. Chứng kiến việc cô “mặc cả” với thánh thần nên tôi cố nói thật to cho nhiều người cùng nghe: “Để con ra ngoài này mua vàng mã, người âm làm sao tiêu tiền dương thế được mà phải đặt nhiều thế?”. Tức thì, cô trừng mắt lên, chỉ tay vào mặt tôi và nói: “Vì người này mà hồn không lên. Thôi về đi, hôm khác tới”. Hơn chục cặp mắt đổ dồn vào tôi. Chị Hai ngượng nghịu xin lỗi cô rồi đứng lên. Ra đến ngõ, chị mắng tôi té tát, bảo dì làm hỏng hết việc. Biết thế này tôi không cho dì theo. Ở quê vài ngày, tôi lân la hỏi chuyện cúng kiếng giải hạn. Và tôi thực sự ngạc nhiên khi biết quê tôi bây giờ người ta sính cúng và lễ lạt đến thế. Có một chuyện mà kể ra chưa chắc ai cũng tin. Cậu con trai nhà hàng xóm của chị Hai năm nay 22 tuổi, mới cưới vợ, thầy phán bị sao Thái Bạch chiếu nên phải cúng giải hạn. Ngoài thủ tục như những lễ bình thường, đôi vợ chồng trẻ còn phải chuẩn bị thêm hình nhân thế mạng là trinh nữ, thu thập đủ 5 bộ quần áo, vật dụng liên quan đến 5 người đã khuất đều là thiếu nữ mất do tai nạn. Trong thời gian chờ thu thập đủ lễ vật, thầy dặn đôi vợ chồng trẻ không gặp nhau và tuyệt đối không được làm chuyện... ấy. Thế là mỗi người đành ở một phòng. Vợ chồng trẻ mới cưới nên họ khao khát gần nhau, nhưng vì bị mẹ cấm đoán nên tối đến hai vợ chồng tâm sự với nhau qua điện thoại. Phát hiện điều đó, bà mẹ tịch thu luôn điện thoại. Bà bảo phải cách ly tuyệt đối, nếu không sẽ bị thánh phạt! Theo một vài tài liệu thì nguồn gốc sùng bái sao có xuất xứ từ Trung Hoa cổ đại. Khoa học thiên văn cổ cho rằng, sự vận chuyển của các tinh tú trên bầu trời có ảnh hưởng to lớn tới mọi sinh vật trên trái đất. Người Trung Hoa thời đó tin rằng mỗi năm đời người ứng với một sao hạn. Có tất cả 9 sao chiếu mệnh, trong đó xấu nhất với đàn ông là sao La Hầu, đàn bà là sao Kế Đô. Rồi tục lệ ấy lan tới nước ta. Không phải đến bây giờ mà từ xa xưa, người Việt đã tin rằng cúng dâng sao có thể giúp con người giải hạn khi tuổi của họ bị sao xấu chiếu mệnh. Nỗi sợ hãi và lo âu bị sao xấu chiếu mệnh khiến nhiều người vào những ngày đầu năm mới đáng lẽ phải dành thời gian cho những công việc quan trọng thì lại rủ nhau đi dâng sao tốt và giải hạn sao xấu. Bây giờ, nếu đi bất cứ lễ đền hoặc chùa chiền nào vào rằm tháng giêng sẽ thấy nhan nhản những bàn đăng ký dâng sao, giải hạn. Nhiều người bỏ ra hàng triệu đồng để dâng sao, giải hạn cho cả gia đình. Thậm chí có doanh nghiệp mời thầy cúng về giải hạn cho cán bộ, nhân viên bộ phận văn phòng với chi phí vài chục triệu đồng, ảnh hưởng xấu đến tâm lý và công việc của người lao động. Việc làm này đã tiếp tay cho các hủ tục mê tín dị đoan có cơ hội sống lại và hoạt động một cách công khai. Dân gian có câu “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Khi đời sống vật chất đủ đầy, nhiều người càng sính cúng bái. Và sai lầm trong văn hóa tâm linh của người Việt là nhiều người dâng cúng lễ vật để “mặc cả” với thần linh, dâng lễ để xin nhận được điều này điều kia. Họ tin rằng cứ dâng lễ lên thần phật thì chắc chắn sẽ được độ trì, cứ thế mà làm, thậm chí làm cả những việc ảnh hưởng xấu đến xã hội và cộng đồng. Nhiều người nghĩ rằng mình đi chùa càng nhiều, dâng lễ càng nhiều thì sẽ gặp được điều tốt. Nếu hiểu như vậy thì phải chăng người nào càng giàu có, cung tiến đền, chùa càng nhiều thì sẽ được sống hạnh phúc mãi mà chẳng phải tu tâm tích đức gì hay sao!? Đến lễ chùa cần có cái tâm để tự cải thiện mình theo lời dạy của Phật là làm phúc, làm điều lành, không làm điều ác. Một đồng của người nghèo dâng lên chùa có thể bằng cả chục triệu đồng của người giàu, chỉ cần người đó có tâm. Thiên kinh vạn quyển của nhà Phật cũng chỉ dạy và khuyên con người như vậy. Đó chính là luật nhân quả theo tinh thần của đạo Phật. Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn thì những hủ tục mê tín, dị đoan, trong đó có tục cúng sao giải hạn sẽ lan rộng, làm mất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức của người dân và sẽ hướng đời sống tâm linh của người dân theo hướng tiêu cực. Thảo Linh |