(CMO) Đất nước tôi được mô tả trong một câu hát thế này “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, ba mươi năm nội chiến từng ngày”, đủ để thấy những giây phút bình yên trên mảnh đất này quý giá đến nhường nào.
Trong một ngày mùa thu, 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu cách mạng Việt Bắc về Hà Nội khi chính quyền đã về tay nhân dân vào ngày 19/8/1945. Công việc Người làm đầu tiên đó là soạn bản “Tuyên ngôn độc lập” tại căn nhà số 48, phố Hàng Ngang, căn nhà do gia đình tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô hiến cho cách mạng. Ngày 2/9/1945, một mốc son trọng đại của lịch sử Việt Nam được ghi dấu vào tiến trình lịch sử thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới rằng: Nước Việt Nam là một nước tự do, độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập.
Trong lịch sử nhân loại, hiếm có những áng văn chính luận nào ngắn gọn, súc tích, đanh thép, thuyết phục và đầy ắp giá trị thời đại, giá trị lịch sử và giá trị nhân văn như bản “Tuyên ngôn độc lập”. Toàn bộ văn bản gồm 49 câu với 1.010 chữ, mỗi câu, mỗi chữ đều chính xác tuyệt đối và được sắp xếp, bổ trợ chặt chẽ. Bản "Tuyên ngôn độc lập" cũng đã chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một đất nước lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường cách mạng vô sản và mô hình Nhà nước xã hội chủ nghĩa với sức mạnh của liên minh giai cấp công, nông, trí thức làm nền tảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dồn nén trong “Tuyên ngôn độc lập” tất cả những tinh hoa của lòng yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc, truyền thống và chính nghĩa của một đất nước với bề dày 4.000 năm văn hiến. Đây chính là tiếng nói của núi sông, của lòng người, của thời đại và của một đất nước đã tìm thấy con đường của tương lai. Không chỉ chính thức tuyên bố trước quốc dân, trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, “Tuyên ngôn độc lập” còn ngăn chặn âm mưu chuẩn bị chiếm lại nước ta của bọn đế quốc thực dân. Tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta suốt 80 năm qua và tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, xoá bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Khẳng định ý chí của cả dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập" tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh tư liệu |
Bản Tuyên ngôn là một văn kiện lịch sử đúc kết nguyện vọng sâu xa của dân tộc Việt Nam về quyền độc lập, tự do, cũng là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh gần 100 năm của dân tộc ta để có quyền thiêng liêng đó. Bản tuyên ngôn đã tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam và mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta: kỷ nguyên độc lập, tự do, kỷ nguyên nhân dân làm chủ đất nước. Không chỉ vậy, “Tuyên ngôn độc lập” là một áng văn yêu nước lớn của thời đại. Tác phẩm khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập dân tộc gắn liền với quyền sống của con người, nêu cao truyền thống yêu nước, truyền thống nhân đạo của Việt Nam. “Tuyên ngôn độc lập” là một áng văn chính luận mẫu mực, và lẽ hiển nhiên trở thành 1 trong 5 di thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là bảo vật của quốc gia.
Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, dân tộc ta có 3 áng hùng văn được coi là những bản tuyên ngôn độc lập, đó là bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi và “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh. Một điều đáng lưu ý là sự ra đời của những áng văn trên đều gắn liền với vận mệnh của đất nước, từ cột mốc này, một giai đoạn phát triển rực rỡ của đất nước mở ra. Với “Tuyên ngôn độc lập”, nước Việt Nam chính thức bước vào tiến trình lịch sử hiện đại và viết tiếp những trang sử vàng chói lọi. Từ ngày thu năm ấy, Tổ quốc Việt Nam đã đứng trên đỉnh cao vinh quang của chiến đấu và chiến thắng, Điện Biên Phủ (năm 1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; cuộc Đồng khởi (năm 1960) làm rung chuyển bưng biền Nam Bộ; Tết Mậu Thân (năm 1968) đánh dấu bước ngoặt to lớn của cuộc kháng chiến chính nghĩa và vỡ oà trong niềm vui chiến thắng vĩ đại năm 1975. Đất nước trọn niềm vui, Bắc - Trung - Nam giờ đã sum họp một nhà. Nơi Người ra đi tìm đường cứu nước năm xưa nay đã tung bay “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, một mùa xuân đẹp nhất của dân tộc.
Mỗi độ thu sang, đất trời sao quên được giọng Người vang vọng, ấm áp trên khán đài: “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?”. Thưa Bác! sau 73 năm và mãi mãi về sau này, lời Người dạy là cội nguồn, là ánh sáng, là con đường để chúng con đi tới.
Tổ quốc ơi! Trời đất đã sang thu…./.
Phạm Hải Nguyên