Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại cuộc họp. Báo cáo về công tác chống thất thu và chống chuyển giá trong năm 2016, Cục Thuế TP.HCM cho biết, trong năm qua, đơn vị đã thực hiện kiểm tra tại cơ quan thuế gần 150.800 hồ sơ kê khai thuế với số thuế kê khai bổ sung là 71 tỷ đồng. Thanh tra, kiểm tra tại 20.233 doanh nghiệp với số thuế truy thu và phạt là 2.800 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT 381 tỉ đồng, giảm lỗ 120.162 tỉ đồng.
Trong đó, Cục Thuế đã tập trung phân tích chuyên sâu và triển khai chống thất thu, chống rủi ro đối với 16 lĩnh vực, hoạt động có rủi ro về thuế mang lại hiệu quả khả quan, tăng đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế TP.HCM đã tăng thu 394 tỉ đồng từ việc thực hiện rà soát điều chỉnh kê khai kinh doanh các mặt hàng chịu thuế thu nhập đặc biệt; thu 92 tỉ đồng từ doanh nghiệp nhiều năm chưa thanh tra, kiểm tra, thu 42 tỉ đồng từ lĩnh vực kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; thu 33 tỉ đồng từ doanh nghiệp có giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ, thu 27 tỉ đồng từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, thu 15 tỉ đồng từ mặt hàng ô tô là quà biếu tặng…
Theo Cục Thuế TP.HCM, trong năm 2017, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, đơn vị đã tập trung phân tích chuyên sâu, đánh giá trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, chống thất thu với mục tiêu, thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế phải đạt tối thiểu 18% số lượng người nộp thuế đang hoạt động thuộc diện quản lí thuế trong đó tập trung cao cho thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh có rủi ro cao về thuế, kiểm soát hoạt động chuyển giá đối với các doanh nghiệp liên kết.
Tại cuộc họp đại diện các sở, ngành cũng đã thảo luận nhiều giải pháp nhằm tang cao hiệu quả công tác chống thất thu trên địa bàn thành phố. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM, công tác chống thất thu thuế và chống chuyển giá là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và phải có sự phối hợp chặt chẽ của những sở ngành liên quan mới đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Trong đó, nhằm thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế và chống chuyển giá, Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM đã và đang không ngừng cải thiện tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt của nền kinh tế Việt Nam. Nếu trước đây, tỷ trọng thanh toán dùng tiền mặt của nền kinh tế Việt Nam là từ 19% đến 20% thì hiện nay đã được kéo giảm còn khoảng 10%. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM phối hợp với Cơ quan phòng chống rửa tiền quốc gia thực hiện rà soát tất cả giao dịch đáng ngờ, có dấu hiệu rủi ro thất thu thuế; liên kết với ngành hải quan, thuế... để truy thu thuế, góp phần chống thất thu thuế.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, vấn đề thu ngân sách Nhà nước là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó phải phát huy tối đa vai trò của cấp ủy quận/huyện ủy, giám sát của các sở ban ngành để chống tiêu cực và hạn chế thất thu thuế. Đồng thời, khẩn trương xây dựng chương trình giám sát của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy làm sao ngăn ngừa, xử lý nhanh những sai phạm và chống chuyển giá.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, thực hiện tốt công tác chống thất thu thuế và chống chuyển giá, lợi ích đạt được không chỉ là số thuế mà còn phải góp phần tạo điều kiện thuận lợi và niền tin cho doanh nghiệp.
Để làm tốt công tác chống thất thu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, Cục Thuế TP.HCM phải tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm vào những đối tượng có dấu hiệu hoặc tiềm ẩn rủi ro cao vi phạm về thuế. Ngoài ra, công tác xử lý các vi phạm về thuế cần có tính răn đe và hướng đến phòng ngừa những trường hợp tương tự. Đặc biệt, Cục Thuế TP.HCM nên triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện cải cách và hiện đại hóa nhanh hơn nữa trong thời gian tới./. |