Doanh nghiệp Việt Nam mạnh về chất và lượng cho mục tiêu phát triển bền vững Đồng bộ cho mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ Doanh nghiệp bền bỉ cải tiến xanh cho mục tiêu bền vững Hà Nội cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp hỗ trợ |
| Doanh nghiệp CNHT buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về xanh hóa sản xuất. Ảnh: H.Dịu |
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ, Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương, tạo thành cơ sở đưa Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào "sân chơi" toàn cầu để được hưởng ưu đãi, ngoài các điều kiện cơ bản như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng thì tiêu chuẩn về xanh hóa cũng buộc doanh nghiệp phải đáp ứng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trên 30% doanh nghiệp CNHT của cả nước nói chung hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất. Vì thế, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, các doanh nghiệp CNHT đều nỗ lực chuyển đổi, đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững. Trong chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT TP Hà Nội cho biết, để đáp ứng các yêu cầu từ các tập đoàn đa quốc gia, nhiều doanh nghiệp CNHT tại Hà Nội đã nhận được chứng chỉ quản lý hệ thống chất lượng IATF 16949 (là tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng trong ngành công nghiệp ô tô), từ đó đủ điều kiện để tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Cũng về vấn đề này, theo ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Máy tính Thánh Gióng, để thực hiện mục tiêu có thể xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài trong năm nay, Công ty đã đầu tư công nghệ và cơ sở hạ tầng cũng như tập trung xây dựng thương hiệu máy tính Thánh Gióng "Make in Vietnam” nhằm khẳng định uy tín, chất lượng và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp CNHT trên cả nước đang chuyển đổi xanh bằng nhiều giải pháp như lắp đặt thiết bị để sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất… Như tại Công ty TNHH Dụng cụ AN MI, việc ứng dụng các giải pháp về sản xuất xanh, bền vững đã được thực hiện như gia tăng diện tích cây xanh, sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời toàn bộ mái nhà xưởng để sản phẩm được sử dụng năng lượng xanh, giảm thiểu tái chế bằng cách nâng cao hiệu suất sản xuất… Theo đại diện của AN MI, điều này giúp các sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các tập đoàn nước ngoài khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi xanh trong sản xuất tại các doanh nghiệp công nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ đáp ứng các tiêu chí xanh của khách hàng mà còn giảm thiểu chi phí, đảm bảo ổn định sản xuất trước những biến động bất ngờ từ thị trường. Chẳng hạn, trong mùa nắng nóng như hiện nay, tình trạng thiếu điện cho sản xuất có thể quay trở lại thì việc lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các nhà xưởng, khu công nghiệp đang rất được quan tâm. Bà Trần Tố Loan, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ cho hay, năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời mái nhà là bước đầu tiên, quan trọng nhất trong việc chuyển đổi sang bền vững của doanh nghiệp nói riêng cũng như của cả khu công nghiệp nói chung, để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo bà Loan, việc lắp đặt điện mặt trời còn nhiều vướng mắc về pháp lý, chính sách và cơ chế, khiến sự chuyển đổi diễn ra rất chậm so với tiến độ khu công nghiệp mong muốn. Một doanh nghiệp ngành CNHT tại Hà Nội cũng chia sẻ, mỗi khu công nghiệp lại có quy định khác nhau về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Hơn nữa, vị này cũng quan ngại, thủ tục lắp đặt còn rườm rà nên việc xin phép sẽ tốn nhiều thời gian, công sức của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, so với các nền kinh tế phát triển, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để dịch chuyển sang nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả thì cơ chế, chính sách phải được đề ra cụ thể và thiết thực. Riêng với lĩnh vực CNHT, các cơ quan chức năng cũng đã, đang và sẽ dành nhiều chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ, chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, trong đó tập trung khai thác và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường. |