Các nhà sản xuất và phân phối tại TP.HCM liên tục tổ chức các chương trình khuyến mãi,ứcmuađanggiảkqbd c1 châu á giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Huế Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, trong tháng 10-2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 56.569 tỉ đồng, giảm 1,13% so với tháng trước và giảm ở tất cả các ngành hàng: thương mại giảm 0,3%, khách sạn, nhà hàng giảm 4%, du lịch giảm 10,7%, dịch vụ giảm 1,8%.
Thống kê của Sở Công Thương TP.HCM cho thấy, trong 10 tháng năm 2016, tại các siêu thị, trung tâm thương mại mãi lực tăng từ 7 đến 10% so với cùng kì năm 2015 do thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá và các chương trình vui chơi, mua sắm nên đã thu hút được lượng lớn khách đến vui chơi, mua sắm. Tại các chợ truyền thống mãi lực tương đối ổn định so với cùng kì. Mặc dù vậy, theo nhận định của Sở Công Thương, tốc độ tăng trưởng bán lẻ trên địa bàn TP.HCM đang chậm lại.
Nếu như cách đây 5 năm TP.HCM được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trên thế giới thì 2 năm trở lại đây đã lọt xuống top 30 và hiện nay đang ở top 50.
Nguyên nhân là do sức mua trong nhóm du lịch, dịch vụ lữ hành, nhà hàng khách sạn giảm mạnh đã kéo theo doanh thu bán lẻ và dịch vụ giảm. Ngoài ra việc tiết giảm đầu tư công cũng được xem là một tác động làm giảm sức mua trên thị trường.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, để đẩy mạnh sự tăng trưởng của kinh tế tiêu dùng, tăng sức mua trên thị trường, cần phải giữ ổn định sự phát triển của các DN sản xuất và bán lẻ, tạo điều kiện cho thu hút đầu tư trong đó việc tăng cường công tác ngăn chặn và xử lí hàng gian hàng giả là rất quan trọng.
Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu, Sở Công Thương và UBND các quận, huyện trên địa bàn phải mở rộng phạm vi kiểm tra, giám sát thị trường đặc biệt đối những sản phẩm liên quan đến sức khoẻ người dân. Không chỉ đối với các cửa hàng, Ban quản lí chợ cũng phải kiên quyết với hàng không rõ nguồn gốc, không thể để tiểu thương vì lợi nhuận mà xem thường sức khỏe người dân, phá vỡ sản xuất đặc biệt là đối với chương trình truy xuất nguồn gốc đối với thịt heo vừa được thành phố triển khai gần đây.
Bên cạnh đó, chương trình bình ổn thị trường phải đảm bảo nhu cầu mua sắm và ổn định thị trường của thành phố đặc biệt trong các dịp lễ tết, phải làm sao để hàng bình ổn đến được với tất cả với mọi người, mọi nhà, đặc biệt là công nhân, người lao động nghèo.
“Ngoài ra, để đẩy mạnh sức mua trên thị trường, Sở Công Thương phải tăng cường triển khai các kế hoạch hội chợ, phiên chợ cuối tuần, liên hoan ẩm thực... tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, Sở Công Thương cần tham mưu cho UBND thành phố một chương trình kết nối các sản xuất ngành hàng thực phẩm với các nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam như Big C, Aone, Metro... vì hiện nay hàng Việt vào các hệ thống phân phối này còn rất ít”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh. |