【số liệu thống kê về southampton gặp man utd】Cô gái trẻ nhất lịch sử giành giải Nobel mong tất cả trẻ em gái được đi học
Cô gái trẻ nhất lịch sử giành giải Nobel mong tất cả trẻ em gái được đi học
Vĩnh Ngọc(Dân trí) - Malala Yousafzai từng bị Taliban bắn vào đầu khi thúc đẩy quyền học tập cho phụ nữ. Không hề sợ hãi, cô quyết tâm theo đuổi mục đích và giành giải Nobel Hòa bình, sau đó tốt nghiệp đại học Oxford.
Báo Dân trí triển khai tuyến bài về con đường học vấn, giáo dục của các thần đồng, người nổi tiếng trên khắp thế giới. Hy vọng rằng, những câu chuyện thú vị, ít người biết về những nhân vật truyền cảm hứng này sẽ nhận được sự quan tâm của độc giả.
Malala Yousafzai, 26 tuổi, là một nhà hoạt động giáo dục người Pakistan. Cô nổi tiếng khi giành giải Nobel Hòa bình vào năm 2014, khi cô mới 17 tuổi và trở thành người trẻ nhất thế giới đoạt giải Nobel.
Malala được biết đến với hoạt động nhân quyền, đặc biệt là giáo dục cho phụ nữ và trẻ em ở quê hương cô, Swat, Pakistan, nơi Taliban từng có lúc cấm các cô gái đến trường.
Sự ủng hộ của Malala Yousafzai đã phát triển thành một phong trào quốc tế và theo cựu Thủ tướng Pakistan, Shahid Khaqan Abbasi nhận xét thì, Malala Yousafzai đã trở thành công dân nổi bật nhất của Pakistan.
Là con gái của nhà hoạt động giáo dục Ziauddin Yousafzai, Malala Yousafzai coi Abdul Ghaffar Khan, Barack Obama và Benazir Bhutto là hình mẫu của mình. 11 tuổi, cô đã viết blog cho báo nước ngoài để kể về cuộc sống của cô trong thời gian Taliban chiếm đóng Swat.
Nhà báo Adam B. Ellick từng thực hiện một bộ phim tài liệu về cuộc đời của Malala và cô sớm trở nên nổi tiếng, được nhà hoạt động Desmond Tutu đề cử cho giải thưởng Hòa bình dành cho trẻ em quốc tế.
Năm 2012, khi đang ngồi trên xe bus, Yousafzai đã bị một tay súng Taliban bắn vì những hoạt động xã hội tích cực của cô. Yousafzai bị trúng đạn vào đầu nhưng đã may mắn qua khỏi sau thời gian điều trị ở Anh.
Sau khi hồi phục, Yousafzai trở thành nhà hoạt động nổi bật cho quyền được giáo dục. Cô đồng sáng lập Quỹ Malala, một tổ chức phi lợi nhuận. Cô cũng là đồng tác giả của cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới mang tên I Am Malala.
Năm 2012, Yousafzai nhận được giải thưởng Hòa bình Thanh niên Quốc gia đầu tiên của Pakistan và giải thưởng Sakharov.
Năm 2014, Malala Yousafzai đồng nhận giải Nobel Hòa bình 2014 với Kailash Satyarthi của Ấn Độ. Vào thời điểm đó, ở tuổi 17, cô là người trẻ nhất từng đoạt giải Nobel.
Năm 2015, Malala Yousafzai là chủ đề của bộ phim tài liệu lọt vào danh sách đề cử giải Oscar. Các số báo năm 2013, 2014 và 2015 của tạp chí Time đã giới thiệu cô là một trong những người có ảnh hưởng nhất trên toàn cầu.
Năm 2017, Malala Yousafzai được trao quyền công dân danh dự của Canada và trở thành người trẻ tuổi nhất phát biểu trước Hạ viện Canada.
Yousafzai hoàn thành chương trình giáo dục trung học tại Birmingham, Anh và sau đó cô trở thành sinh viên Đại học Oxford. Năm 22 tuổi, cô tốt nghiệp đại học danh tiếng này với tấm bằng triết học, chính trị và kinh tế.
Trong dịp quay trở lại trường Đại học Oxford vào cuối năm 2022, Malala Yousafzai đã có bài phát biểu thu hút sự quan tâm của hàng nghìn sinh viên. Cô chia sẻ: "Tôi hy vọng trong đời mình, sẽ có ngày tôi được chứng kiến tất cả trẻ em gái đều được tiếp cận với giáo dục".
Trong khi Malala Yousafzai thực sự biết ơn về trải nghiệm tại Đại học Oxford và thực sự thích trường đại học của mình cũng như những người bạn mà cô ấy có, cô ấy cũng nói thêm rằng: "Thành thật mà nói, tôi không nhìn lại. Tôi luôn cố gắng tập trung vào những điều tiếp theo trong cuộc sống của mình.
Có rất nhiều điều bạn học được ở đây nhưng đồng thời bạn cũng nhận ra rằng Oxford cũng có những giới hạn. Nó không phản ánh toàn bộ thế giới bên ngoài".
Nói về quãng đời sinh viên, Malala Yousafzai cho biết, cuộc sống ở Oxford rất bận rộn.
"Tôi có một danh sách dài những cuốn sách cần đọc và nhiều bài luận phải viết để theo kịp khóa học. Cùng với việc học, tôi cũng muốn giao lưu, nghe các diễn giả phát biểu, đi xem ca nhạc, cổ vũ các sự kiện thể thao.
Phần khó nhất đối với tôi là quản lý thời gian của mình. Ngoài việc học, tôi còn phải cân bằng công việc với Quỹ Malala, tôi muốn tận dụng mọi thứ mà trường đại học mang lại. Tôi tham dự các buổi diễn thuyết, chiếu phim và trở thành hướng dẫn viên du lịch. Tôi đã kết bạn với những người bạn mới tuyệt vời .
Về cơ bản, tôi luôn chạy giữa các lớp học, các nhóm học tập, các trận đấu cricket và các cuộc gặp gỡ với các nhóm ngoại khóa. Tôi sẽ đến phòng của một người bạn hoặc họ đến phòng của tôi để trò chuyện sau bữa tối. Nhiều lần, sau 11 giờ đêm tôi mới bắt đầu viết bài luận để nộp trong ngày hôm sau.
Tôi choáng ngợp với cuộc sống của sinh viên đại học và tôi biết ơn vì điều đó. Tôi biết mình may mắn như thế nào khi được tiếp cận với một nền giáo dục tuyệt vời, các bài giảng, nghệ thuật, thể thao và những quan điểm mới. Tôi muốn sống trong một thế giới mà mọi cô gái đều có thể cân nhắc các lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai của mình".
Chia sẻ với các bạn sinh viên, Malala cho biết, khi Taliban tiếp quản khu vực của cô vào năm cô 11 tuổi. Cô nhận thấy có rất nhiều sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính.
"Tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi phải lên tiếng vì tôi không thể tưởng tượng là mình sẽ sống như vậy mãi mãi. Im lặng có nghĩa là mọi thứ sẽ mãi như cũ", Malala Yousafzai tâm sự.
Khi một sinh viên hỏi liệu Yousafzai có tham vọng tham gia chính trường Pakistan hay không. Một cách ngập ngừng, cô ấy trả lời: "Ngay bây giờ trọng tâm của tôi là giáo dục trẻ em gái.
Năm 11 tuổi, tôi từng nghĩ rằng tôi muốn trở thành thủ tướng nhưng theo thời gian, tôi nhận ra rằng, vẫn có những hạn chế đối với những gì các chính trị gia có thể làm. Hiện tại, đối với tôi, quan trọng nhất là hoạt động tích cực và giáo dục trẻ em gái.
Thành thật mà nói, tôi mong tất cả các trường học cung cấp nền giáo dục chất lượng cho trẻ em. Vì vậy, bất kể bạn đang học trường tư thục hay trường công lập, bạn nên nhận được nền giáo dục có thể đưa bạn đến những cơ hội mà bạn muốn trong đời. Đặc biệt nếu bạn là nữ, chúng tôi muốn bạn được an toàn cho dù bạn học trường công hay trường tư.
Tôi nghĩ các chính phủ có trách nhiệm đảm bảo rằng tất cả trẻ em đều có thể tiếp cận giáo dục. Các đất nước phải cung cấp nền giáo dục chất lượng và an toàn cho tất cả trẻ em.
Lời nhắn của tôi đến các cô gái là hãy luôn tin vào chính mình. Hãy tin vào những ước mơ và khát vọng mà bạn có. Đừng sợ bất cứ ai. Không ai có thể ngăn cản bạn.
Hãy đi và thay đổi tương lai của bạn, biến những giấc mơ của bạn thành hiện thực. Các bạn là tương lai của đất nước và bạn có thể thay đổi vấn đề thông qua hành động của mình. Vì vậy hãy luôn tin vào chính mình".
Theo Oxford