游客发表
发帖时间:2025-01-11 05:46:57
Sức khỏe của các ngân hàng tiếp tục giảm sút
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 30/6/2016, tổng tài sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đạt 7.868.261 tỷ đồng, tăng 7,5% so với thời điểm cuối năm 2015. Trong đó, tốc độ tăng tài sản của khối ngân hàng thương mại nhà nước đạt 6,61%. Khối ngân hàng thương mại cổ phần có tốc độ tăng tài sản là 7,73%, cao hơn mức trung bình của hệ thống.
Với tốc độ tăng trưởng về vốn và tài sản như vậy, song tỷ suất sinh lời của các ngân hàng vẫn ở mức rất thấp. Số liệu mới nhất của NHNN cho biết, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) quý I/2016 của hệ thống các tổ chức tín dụng lần lượt là 0,18% và 2,16%, giảm hơn một nửa so với các tỷ lệ này vào cuối quý III/2015 là 0,44% và 4,95%. Điều này chứng tỏ sức khỏe các ngân hàng đã giảm sút.
Với con số này, khả năng sinh lời của các ngân hàng Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thấp nhất trong khu vực. Thông thường, ROA của các ngân hàng trong khu vực vào khoảng 1 – 2% và ROE trong khoảng 14 – 20%.
Có thể lấy ví dụ về một số ngân hàng có tổng tài sản lớn nhưng lợi nhuận ở mức rất thấp. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hiện có vốn điều lệ 14.295 tỷ đồng, tổng tài sản gần 340.000 tỷ đồng (tính đến 30/6/2016). Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 94 tỷ đồng. Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), với vốn điều lệ ở mức hơn 12.000 tỷ đồng, tổng tài sản gần 122.000 tỷ đồng, song lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng chỉ đạt 79 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ. Một trường hợp nữa là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank), tổng tài sản 6 tháng đầu năm tăng 6,8%, đạt 312.000 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 363 tỷ đồng, giảm tới 76% so với cùng kỳ năm 2015.
Nợ xấu chưa tính hết, lợi nhuận vẫn dự thu
Từ các báo cáo kết quả kinh doanh, có thể thấy nguyên nhân quan trọng khiến các ngân hàng chưa thể có mức sinh lời lành mạnh là do nợ xấu vẫn đè nặng trên vai, khiến các ngân hàng liên tục phải trích lập dự phòng rủi ro lớn để bù đắp.
Tại SCB, chi phí dự phòng rủi ro tăng gần 2,5 lần, từ 420 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên 1.038 tỷ đồng, khiến lợi nhuận còn lại không đáng kể. Tương tự, tại
Eximbank dự phòng rủi ro trong quý II cũng tăng gần gấp đôi lên 324 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau trích lập chỉ còn 49 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ xấu của ngân hàng đã tăng vọt lên 4.285 tỷ đồng cho dù tăng trưởng tín dụng âm. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 5,3% tổng dư nợ, so với mức chưa đến 2% cuối năm trước. Với Sacombank, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cuối quý II cũng tăng vọt từ 1,85% lên 2,83%. Trong quý II, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng đã tăng 86% lên 681 tỷ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong 6 tháng đầu năm, tổng chi phí lập dự phòng rủi ro của riêng các ngân hàng đã niêm yết cũng chiếm khoảng 40% lợi nhuận của ngân hàng. Theo NHNN, trong 6 tháng, các ngân hàng đã sử dụng 7.240 tỷ đồng dự phòng trích lập từ lợi nhuận để xử lý nợ xấu.
Số liệu từ NHNN cũng cho thấy, sau một thời gian giảm dần, tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống đã từ từ tăng lên từ đầu năm 2016. Đến tháng 5/2016, tỷ lệ nợ xấu là 2,78% so với 2,55% đầu tháng 1/2016. Đến tháng 6, tỷ lệ này lại giảm còn 2,58%. Con số này chưa tính đến khoản nợ xấu khoảng 250.000 tỷ đồng tại VAMC, dù đã được tách khỏi báo cáo tài chính của ngân hàng nhưng theo quy định, các ngân hàng vẫn chịu trách nhiệm trích lập dự phòng rủi ro trong 5 năm. Nếu tính cả con số này, tỷ lệ nợ xấu có thể lên đến 7,5%.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo về một rủi ro lớn nhưng ít được nhắc đến trong hệ thống ngân hàng là lãi ảo, hay lãi dự thu được tính vào lợi nhuận thực. “Lợi nhuận trong báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng là ảo, vì đó là những khoản lãi dự thu trên thực tế rất khó đòi”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Trong một báo cáo hồi tháng 3, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đã có cảnh báo về việc quy mô lãi dự thu của các ngân hàng lớn là một trong những rủi ro của hệ thống. Ước tính lãi dự thu của hệ thống ngân hàng năm 2015 vào khoảng 112.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, điều này có những hệ lụy cần phải cảnh báo bởi lợi nhuận chưa thu được này chưa phải là lợi nhuận thực. Nếu cuối kỳ, khoản lãi này không thu được thì sẽ gây nguy hiểm cho ngân hàng và cả hệ thống.
Những vấn đề này cho thấy, quá trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều trở ngại chưa được tháo bỏ. Nếu không có những giải pháp quyết liệt, thực chất, các ngân hàng sẽ rất khó phục hồi lành mạnh để thực sự làm tốt vai trò huyết mạch cho nền kinh tế.
H.Y
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接