Thực tế quản lý Từ năm 2006 đến nay, hàng hóa XNK nói chung bao gồm cả máy móc thiết bị NK (mới và đã qua sử dụng) được thực hiện theo Nghị định 12/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh với nước ngoài. Tại Nghị định 12 đã quy định Danh mục hàng hóa cấm XNK; Danh mục hàng hóa XNK theo giấy phép của Bộ Thương mại; Danh mục hàng hóa XNK thuộc diện quản lý của các bộ chuyên ngành (gồm 9 bộ, không có Bộ Khoa học và Công nghệ). Tuy nhiên, trong các danh mục này chỉ liệt kê một số loại máy móc thiết bị đặc thù thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hơn nữa, trên thực tế, máy móc thiết bị nói chung (gồm cả mới hoặc đã qua sử dụng) thường gắn với hoạt động của một DN cụ thể, trong một dự án đầu tư cụ thể để tạo tài sản cố định cho DN sản xuất kinh doanh. Và việc quản lý và cho phép DN NK máy móc thiết bị thuộc thẩm quyền của các cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư cho DN; các cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với DN đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trong quá trình thẩm tra, xem xét Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan chuyên ngành có liên quan. Như vậy, về lĩnh vực quản lý khoa học công nghệ, cần phải có ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ nếu là dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, các dự án còn lại cần phải lấy ý kiến của các Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên thực tế vẫn có nhiều bất cập. Nhiều chủ đầu tư gửi hồ sơ dự án để thẩm định, phần thuyết minh sơ sài, không chú trọng về phần công nghệ nên Bộ Khoa học và Công nghệ (hoặc Sở Khoa học và Công nghệ) không đủ thông tin để thẩm định. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư không tuân thủ trình tự thẩm tra hồ sơ dự án, nhiều hồ sơ dự án đầu tư không được gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (hoặc Sở Khoa học và Công nghệ) để thẩm định theo đúng trình tự. Đây là một trong các nguyên nhân gây nên sự không kiểm soát được máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ NK đã qua sử dụng. Giải pháp lâu dài Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong giai đoạn này, để kiểm soát ngăn chặn máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu NK vào nước ta, trước mắt cần phải ban hành văn bản tạm thời cấm NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đối với 18 ngành nghề trong danh sách các DN được công bố loại bỏ phía Trung Quốc cho đến khi có quy định mới. Cũng theo Bộ Khoa học và Công nghệ, để có thể quản lý chặt việc NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng cần phải có giải pháp lâu dài như: Đưa nội dung quản lý việc NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 12/2006/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Thương mại 2005. Quy định về quản lý các máy móc, thiết bị cần NK của các dự án đầu tư; quy định chi tiết về nội dung liên quan đến công nghệ (sơ đồ công nghệ, quy trình công nghệ, các phương án công nghệ, so sánh và dự kiến danh mục máy móc, thiết bị…) mà chủ đầu tư cần giải trình trong Hồ sơ dự án đầu tư gửi thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư để có đủ cơ sở xem xét, có ý kiến về khía cạnh khoa học và công nghệ theo quy định của Luật Đầu tư, kể cả Danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ để triển khai dự án. Ngọc Linh |