Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành luật về việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức TCVM, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay trong hoạt động của tổ chức TCVM; ban hành các quy định để tạo điều kiện liên kết hoạt động của các loại hình tổ chức tín dụng với hoạt động của các tổ chức TCVM.
Ngân hàng Nhà nước tổng kết việc thí điểm hoạt động cho vay gián tiếp của Quỹ Hỗ trợ tín dụng thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất định hướng phát triển loại hình TCVM bán buôn nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho hoạt động TCVM; chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý kiến nghị của Bộ Nội vụ về sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài nhằm hỗ trợ, khuyến khích hoạt động TCVM; đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình hoạt động tài chính vi mô phát triển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2017.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm trình hoặc ban hành các quy định phù hợp đối với hoạt động của bảo hiểm vi mô.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có chính sách hỗ trợ các tổ chức tài chính vi mô trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các tỉnh, thành phố và cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn II (2016-2020) được giao tại Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 6/12/2011, tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức TCVM, chương trình dự án TCVM phát triển, tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội, nhất là tại các vùng nghèo, vùng khó khăn; thực hiện gửi báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo đúng quy định.