Ông Nguyễn Tuấn Linh, Chủ tịch Chi hội Điếc Hà Nội, Trưởng ban Vận động Hội Người Điếc Việt Nam khẳng định: “Dùng từ “Điếc” là cách tiếp cận theo văn hóa tôn trọng người Điếc. Quan điểm dùng từ “Khiếm thính” thay cho từ “Điếc” nhằm nói giảm, nói tránh đã lỗi thời và chưa chính xác”.
Mới đây, báo điện tử Dân trí có đăng tải bài viết “Việt Nam lần thứ 2 cử đại diện tham dự Hoa hậu Điếc Quốc tế”. Nhiều ý kiến bạn đọc thắc mắc xung quanh vấn đề bài viết sử dụng từ “Điếc” chứ không phải từ “Khiếm thính”.
Để giải đáp những phản hồi của bạn đọc, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi xung quanh hai khái niệm trên với Hoa khôi Bùi Thị Lan Anh; Á hậu Thúy Đoan; ông Nguyễn Linh - Chủ tịch Chi hội Điếc Hà Nội, Trưởng ban Vận động Hội Người Điếc Việt Nam và anh Nguyễn Thái Thành - chàng trai câm điếc bẩm sinh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2015, đạt Giải thưởng tình nguyện Quốc gia 2015, hiện là chủ doanh nghiệp xã hội Thành Nguyễn giúp đỡ những người khuyết tật như mình.
Thúy Đoan - Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Điếc Thế giới được tổ chức tại Cộng hòa Séc năm 2015
“Nhiều người thường gọi tôi là Á hậu Khiếm thính và điều ấy khiến tôi không hài lòng. Người Khiếm thính là người vẫn có thể nghe, nói được phần nào nhưng tôi là một người Điếc. Từ nhỏ tôi đã không biết đến âm thanh”.
Thúy Đoan tâm sự, từ nhỏ khiếm khuyết về nghe, nói khiến cô cảm giác mình có một thế giới riêng biệt. Thế nhưng sau khi học được ngôn ngữ ký hiệu, mọi thứ đã thay đổi theo một chiều hướng tích cực.
Khi tham dự cuộc thi Hoa hậu Điếc Thế giới, Thúy Đoan đã học thêm ngôn ngữ ký hiệu quốc tế. Khả năng giao tiếp của cô ngày càng được mở rộng và bây giờ, cô có thể tự tin nói chuyện với bất cứ ai trong cộng đồng sử dụng chung ngôn ngữ với mình. Thúy Đoan cho rằng: “Giống như ngôn ngữ nói, ngôn ngữ ký hiệu cũng diễn tả được tất cả suy nghĩ của con người. Thậm chí tôi thấy chúng rất sinh động vì nó gắn liền với cử chỉ, điệu bộ và nét mặt”.
Bùi Thị Lan Anh - Hoa khôi Điếc 2015
(Đại diện Việt Nam đang tham dự cuộc thi Miss and Mister Deaf International 2016 diễn ra tại Mỹ từ ngày 5/7 tới ngày 8/7/2016)
“Dùng từ Điếc là đúng. Vì cộng đồng Điếc là cộng đồng chỉ sử dụng ngôn ngữ kí hiệu, khác với người Khiếm thính có thể sử dụng máy trợ thính để cải thiện khả năng nghe.
Người Khiếm thính có thể sử dụng cả ngôn ngữ kí hiệu và ngôn ngữ nói. Tôi là Hoa khôi Điếc và tôi muốn cộng đồng nhìn nhận mình đúng danh xưng đó”.
Anh Nguyễn Thái Thành
Nguyễn Thái Thành - chàng trai câm điếc bẩm sinh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2015 chia sẻ sự khác biệt xung quanh hai khái niệm.
“Hai từ “Khiếm thính” và “Điếc” có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Người Điếc không thể nghe và nói bởi vì ốc tai mất đi tế bào lông để tiếp nhận âm thanh như những phím piano và người Điếc dùng ngôn ngữ kí hiệu. Còn người Khiếm thính nói được một chút, họ nói ngọng. Có những người Khiếm thính đôi khi hoang mang không biết mình là ai, vì nghĩ mình “khiếm” nên phải cố bù đắp để giống mọi người gây ra tâm lí mệt mỏi.
Nhưng khi vào với cộng đồng người Điếc, các bạn ấy sẽ dễ dàng tìm thấy mình là ai và có tự tin riêng, dễ dàng hòa nhập với cộng đồng hơn. Ngôn ngữ kí hiệu đi ra từ cộng đồng người Điếc, đó là văn hóa của người Điếc”.
Ông Nguyễn Tuấn Linh, Chủ tịch Chi hội Điếc Hà Nội, Trưởng ban Vận động Hội Người Điếc Việt Nam cho biết: “Người Điếc (viết hoa, tiếng Anh là Deaf) chỉ một cộng đồng có nền văn hóa riêng, sử dụng ngôn ngữ kí hiệu là phương tiện để giao tiếp.
Khiếm thính (tiếng Anh là Hearing Loss, theo văn hóa Điếc thì họ là “người một nửa”), dùng để chỉ những người nghe kém, chủ yếu sử dụng ngôn ngữ nói (có thể có sự hỗ trợ của máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai). Trong quá trình giao tiếp họ có thể sử dụng kèm một số kí hiệu nhưng có thể giống hoặc có thể không theo ngữ pháp của ngôn ngữ kí hiệu mà người Điếc đang sử dụng.
Đây là cách tiếp cận theo quan điểm văn hóa tôn trọng người Điếc và nền văn hóa của họ. Quan điểm dùng từ “Khiếm thính” thay cho từ “Điếc” nhằm mục đích nói giảm, nói tránh là quan điểm đã lỗi thời và chưa chính xác.
评论专区