Phát biểu tham luận tại phiên họp ngày hôm nay, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hai năm qua là thời gian hết sức khó khăn và thách thức với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19, điều này đã trực tiếp làm ảnh hưởng đến việc không thể tổ chức Hội nghị SGATAR vào năm 2020. Đặc biệt là tại năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi dịch bệnh Covid-19 tác động bất lợi đến nền kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. "Mặc dù rất hy vọng có ngày Covid-19 được loại trừ hoàn toàn, tuy nhiên, đến lúc này, với tình hình biến đổi nhanh, khó lường, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi nhận thức, điều chỉnh cách tiếp cận, phải thích ứng, linh hoạt, an toàn trong trạng thái bình thường mới, vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, vừa song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội", lãnh đạo Tổng cục Thuế nhận định. Đại diện Tổng cục Thuế cũng chia sẻ, ngay khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhằm giúp nền kinh tế vượt qua thách thức của dịch bệnh. Cơ quan thuế Việt Nam cũng đã tham mưu triển khai một số giải pháp, công cụ hỗ trợ về thuế, phí, và lệ phí như: các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19. Cụ thể, trong năm 2020, Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết về giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghệp phải nộp đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu không quá 200 tỷ đồng; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1/8/2020; Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho người nộp thuế gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19; Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước; Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định về giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2020; miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng y tế phục vụ phòng chống dịch Covid 19; Giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phí; … Tổng giá trị các gói giải pháp về miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, tiền thuê đất trong năm 2020 lên đến trên 129.000 tỷ đồng. Sang đến đầu năm 2021, trên cơ sở bám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, Nghị định về tiếp tục, gia hạn các gói giải pháp về miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, tiền thuê đất trong năm 2021 đối với người nộp thuế bị ảnh hưởng do dịch bệnh covid 19; đồng thời, rà soát, bổ sung một số gói giải pháp về Miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại các địa phương chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020 … Tổng các gói giải pháp hỗ trợ năm 2021 lên đến trên 138.000 tỷ đồng. Các giải pháp về thuế, phí được ban hành và triển khai kịp thời, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao, hỗ trợ hiệu quả ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch covid, tháo gỡ khó khăn và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định. Cũng chia sẻ tại Hội nghị, Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua cơ quan Thuế Việt Nam cũng đã tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thuế. Theo đó đã mở rộng phạm vi triển khai hệ thống đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế điện tử. Đến nay, 100% các giao dịch được truyền nhận điện tử đăng ký thuế; trên 99,6% số doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử; trên 98,7% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Có thể thấy, việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử tạo thuận lợi cho người nộp thuế có thể thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan Thuế hoàn toàn qua môi trường internet mà không phải đến trực tiếp trụ sở cơ quan Thuế, điều này đặc biệt phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19, phải giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc. Hiện nay, cơ quan Thuế Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dịch vụ khai, nộp thuế điện tử hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân như: nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy; nộp thuế điện tử đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công; cá nhân cho thuê nhà … Đặc biệt, trong tháng 12 tới đây, Tổng cục Thuế sẽ chính thức vận hành ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động, hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân và doanh nghiệp có thể tra cứu nghĩa vụ thuế, nộp thuế thông qua thiết bị điện thoại di động. Đây có thể nói là một nỗ lực lớn của cơ quan thuế Việt Nam, bổ sung thêm một công cụ hữu hiệu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Song song với đó, công tác hỗ trợ người nộp thuế của cơ quan Thuế cũng được đẩy mạnh thực hiện theo phương thức điện tử như: tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, đối thoại doanh nghiệp trực tuyến, sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông, mạng xã hội để đẩy nhanh việc hỗ trợ giải đáp vướng mắc thông qua hình thức điện tử, đáp ứng nhu cầu số đông người nộp thuế. Tổng cục Thuế cũng đã thành lập 479 kênh thông tin của toàn ngành thuế để tiếp nhận và và hỗ trợ trực tuyến người nộp thuế 24/7. … Trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành thời gian qua, theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch bệnh, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, đồng thời nghiên cứu các biện pháp về chính sách tài khoá nói chung, về thuế nói riêng của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam sẽ tiếp tục ban hành các giải pháp về thuế, phí và lệ phí trong thời gian tới phù hợp với diễn biến thực tế của dịch Covid-19 và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính sách thuế, quản lý thuế lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ. |