Đại sứ Syria tại Iraq ngày 11-7 tuyên bố từ chức và rời bỏ chính quyền Syria để phản đối sự đàn áp quân sự của Tổng thống Bashar al-Assad chống lại phong trào nổi dậy.
Khác với những vụ đào tẩu trước đó, như trường hợp của ông Manaf Tlas là một tướng cao cấp trong quân đội và là bạn thân của Tổng thống Assad, vụ đào tẩu của ông Fares là một đòn giáng mạnh với chính quyền Syria. Ông Fares là quan chức ngoại giao cao cấp đầu tiên của Syria rời bỏ chính phủ của Tổng thống Assad. Trong thông báo riêng gửi đến Đài truyền hình Al Jazeera, kênh truyền hình lớn nhất Trung Đông, đại sứ Nawaf al-Fares nói ông quyết định đào tẩu vì những vụ thảm sát kinh hoàng chống lại người dân Syria của chính quyền. “Tôi tuyên bố từ chức đại sứ Syria tại Iraq, đồng thời tôi cũng tuyên bố rời bỏ Đảng Baath cầm quyền. Tôi kêu gọi tất cả những đảng viên trung thực của Đảng Baath hãy đi theo con đường của tôi, vì chính quyền đã biến đảng này thành công cụ để sát hại nhân dân cũng như khát vọng tự do của họ” - ông Fares nói. Ông Fares kêu gọi quân đội nên gia nhập cuộc khởi nghĩa ở Syria, cho rằng hành động này sẽ giúp bảo vệ tổ quốc chống lại bất kỳ sự xâm lược nào của kẻ thù nước ngoài và “không sát hại nhân dân”. Ông cũng thúc giục tất cả người dân Syria hãy đoàn kết và kiên nhẫn trước những nỗ lực của chính phủ nhằm chia rẽ họ. Trả lời Hãng tin AFP, một quan chức ngoại giao Ả Rập giấu tên nói: “Ông Fares đã gửi thư cho Bộ Ngoại giao Iraq. Hôm nay các quan chức Iraq sẽ tiến hành cuộc họp để thảo luận xem nên gửi ông đến quốc gia nào”. Ông Mohamed Sermini, thành viên Hội đồng dân tộc Syria (SNC) là lực lượng đối lập chính, nói vụ rời bỏ chính quyền của ông Fares chỉ mới là “bước khởi đầu của hàng loạt vụ đào tẩu cấp ngoại giao. Chúng tôi đang giữ liên hệ với một số đại sứ”. Trước thông tin này, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói: “Đã có rất nhiều vụ đào tẩu cấp cao trong những tuần gần đây trong hàng ngũ lãnh đạo quân đội, trong chính quyền… Đây là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ ông Assad đang sụp đổ cả trong nội bộ lẫn quốc tế”. Hôm nay các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ nghe báo cáo của đặc phái viên Kofi Annan về kết quả chuyến công tác của ông tại Damascus. Sau đó các nước này sẽ đệ trình nghị quyết dự thảo về Syria để tăng sức ép lên Tổng thống Assad, trong bối cảnh sứ mệnh quan sát viên tại Syria sẽ kết thúc vào ngày 20-7. Nước Nga đã công bố dự thảo nghị quyết về Syria, theo đó Nga đề xuất gia hạn sứ mệnh quan sát viên thêm 90 ngày, đồng thời tăng cường nhiệm vụ chính trị cho nhóm quan sát viên, cắt giảm số lượng quan sát viên quân sự. Trong diễn biến khác, ông Vyacheslav Dzirkaln, phó giám đốc Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga, khẳng định Nga vẫn tiếp tục cung cấp hệ thống phòng không và nhiều thiết bị quân sự cho Syria dựa trên những hợp đồng cũ đã được ký kết trước khi bạo loạn xảy ra. |