Vietnam Airlines phát hành thành công gần 800 triệu cổ phiếu | |
Vietnam Airlines đẩy mạnh tái cơ cấu trong bối cảnh khó khăn |
Từ ngày 3/11, cổ phiếu HVN sẽ chỉ được giao dịch vào phiên chiều. |
Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 8.458 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6 là âm 17.808 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp.
Theo đó, từ ngày 3/11, cổ phiếu HVN chỉ được giao dịch vào phiên chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Trước đó, trong báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2021, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines do Tổng công ty lỗ sau thuế 8.622 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 724 tỷ đồng sau nửa đầu năm. Ngoài ra, nợ ngắn hạn tại cuối quý 2/2021 vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 34.664 tỷ đồng. Khoản phải trả quá hạn là 14.805 tỷ và vốn chủ sở hữu âm 2.785 tỷ đồng.
Theo đơn vị kiểm toán, dịch bệnh đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines. Khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ phía Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến của dịch Covid-19.
Trong văn bản gửi HoSE mới đây, Vietnam Airlines cho biết, để đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, Tổng công ty đã triển khai hàng loạt giải pháp như: thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán với các nhà cung cấp để giảm giá dịch vụ hàng hóa… Đồng thời báo cáo Chính phủ để có các hỗ trợ về chính sách cho các hãng hàng không nói chung, đặc biệt hỗ trợ Vietnam Airlines với tư cách cổ đông nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại Vietnam Airlines.
Căn cứ phê duyệt của Chính phủ, trong quý 3/2021, Vietnam Airlines đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thêm 7.961 tỷ đồng, kịp thời bổ sung dòng tiền, giúp cải thiện tình hình tài chính. Bên cạnh đó, hãng hàng không tiếp tục đàm phát quyết liệt với các nhà cung cấp, đặc biệt là các chủ sở hữu tàu bay, các cơ sở bảo dưỡng ở nước ngoài để giảm giá và giãn, hoãn thanh toán nhằm hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua giai đoạn khó khăn. Bước đâu các nhà cung cấp đã có những cam kết hỗ trợ tốt cho Vietnam Airlines nhằm giảm chi phí, từng bước khôi phục hoạt động.
Cùng với các giải pháp cắt giảm chi phí, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Vietnam Airlines đã xây dựng Đề án tái cơ cấu tổng thể nhằm tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại lao động, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả; tái cơ cấu tài sản, đầu tư, tái cơ cấu nguồn vốn để đạt mục tiêu nhanh chóng khôi phục lại sản xuất sau dịch, từng bước giảm lỗ và cải thiện tình hình tài chính.