Khởi đầu một tiến trình
Theo ông Nguyễn Hồng Cường, Vụ trưởng ASEAN, Bộ Ngoại giao, sự hình thành Cộng đồng ASEAN tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen đối với Việt. Nhìn chung, các cơ hội về cơ bản là những lợi ích có được trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN trong 20 năm qua, nhưng sẽ lớn hơn và cụ thể hơn, các thách thức cũng sẽ nhiều hơn và trực tiếp hơn.
Ông Cường cho rằng, đối với doanh nghiệp, sẽ có những cơ hội chính như có môi trường kinh doanh rộng lớn hơn và thuận lợi hơn, có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn hơn, có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua quy mô, năng suất và giảm chi phí sản xuất, thuận lợi hơn khi đầu tư ra các nước ASEAN khác.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt, thậm chí ngay tại thị trường Việt Nam. Một số doanh nghiệp với năng lực cạnh tranh thấp sẽ khó có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị cao và lợi nhuận tốt.
Phân tích cơ hội hay thách thức, từ đó dẫn đến sự chủ động hay thờ ơ của doanh nghiệp Việt đối với AEC, hiện có hai luồng ý kiến. Một quan điểm cho rằng, không phải doanh nghiệp trong nước không biết gì về AEC và một luồng quan điểm khác lại lo lắng, sốt ruột vì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt yếu mà lại không có sự chuẩn bị kỹ càng.
Trao đổi với báo Hải quan, ông Trịnh Minh Anh, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế khẳng định, không phải doanh nghiệp Việt thờ ơ với AEC như theo một số báo cáo mà có nhiều doanh nghiệp rất quan tâm tới tiến trình hội nhập, chủ động điện thoại tới các cơ quan chức năng hay những người biết thông tin hội nhập, luôn theo dõi sát những diễn biến, tác động tới doanh nghiệp.
“Những doanh nghiệp này thuộc đủ các thành phần, từ doanh nghiệp Nhà nước đến doanh nghiệp tư nhân, từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp quy mô nhỏ, nhưng cũng phải thừa nhận, số lượng doanh nghiệp lớn chủ động gọi điện, nắm bắt thông tin nhiều hơn doanh nghiệp nhỏ” – ông Trịnh Minh Anh cho biết.
Nói về AEC, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, bản chất AEC không có cơ cấu chặt chẽ mà tương đối lỏng. AEC là tiến trình hội nhập chứ không phải là hiệp định, là khát vọng chứ không phải bắt buộc của Cộng đồng kinh tế ASEAN.
“Như vậy, AEC là một tiến trình và thời điểm 1-1-2016 là khởi đầu để xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN. Với tính chất và mục tiêu như vậy, thời điểm 1-1-2016 đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ không có gì thay đổi đáng kể so với hiện tại, vẫn là tiến trình thực hiện cam kết theo lộ trình đặt ra. Do đó các doanh nghiệp nên hết sức bình tĩnh. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng cần sự chuẩn bị tích cực để đón đầu cơ hội này” – ông Lộc nhận định.
Không thể thờ ơ
Trao đổi với báo Hải quan, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại cho rằng, nếu có một số doanh nghiệp quan tâm tới quá trình hội nhập của AEC thì cũng chỉ là thiểu số, còn phần đông doanh nghiệp Việt vẫn đang thiếu sự quan tâm, chuẩn bị, thậm chí là thiếu thông tin, sự hiểu biết về thị trường này.
Điều này là do quy mô của doanh nghiệp phần đông là nhỏ nên không quan tâm đến những điều gì ở xa quá. Đây là một sự đáng tiếc bởi với AEC, không chỉ là sự cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường các nước ASEAN mà nếu doanh nghiệp không trụ vững ở sân nhà, thị trường 90 triệu dân cũng sẽ bị mất vào tay các doanh nghiệp trong khối.
Ngày 28-12 vừa qua, Trường Doanh nhân PACE và Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục cũng vừa công bố kết quả Dự án nghiên cứu khảo sát “Nhận thức hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam” dựa trên khảo sát được tiến hành với gần 500 doanh nhân Việt.
Kết quả cho biết, doanh nghiệp ít quan tâm đến hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện qua tỉ lệ phần trăm chưa biết đến và hầu như không quan tâm tới AEC (56,8%). Chi tiết hơn, có tới 85,5% doanh nghiệp được khảo sát không nắm được những điều khoản cụ thể của AEC.
Nhận thức của doanh nghiệp Việt về các nội dung cụ thể của AEC cũng chưa đúng và rất khác nhau. Có tới 75,7% doanh nghiệp trả lời sai về năm dự định thống nhất AEC là 2015 và 81,5% không biết đến một trong những mục tiêu quan trọng của AEC là hướng đến một cơ sở sản xuất chung thống nhất.
Có thể thấy, không chỉ nhiều doanh nghiệp quan tâm đến AEC thông qua việc chủ động tìm kiếm thông tin mà đã có những doanh nghiệp thực hiện bước đi cụ thể trong chiến lược hành động, nhưng phần đông doanh nghiệp vẫn thiếu thông tin và ít quan tâm tới thị trường này.
AEC là một thị trường mà ở đó, sự cắt giảm thuế quan là cao nhất trong số các hiệp định thương mại hiện nay, cao hơn cả so với TPP. Đối với tự do hàng hóa và dịch vụ, sự cam kết cũng ở mức cao nhất. Do đó, cơ hội cho doanh nghiệp là nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Và mặc dù AEC là một tiến trình hội nhập nhưng đã đến lúc doanh nghiệp không thể thờ ơ được nữa.
Cộng đồng kinh tế ASEAN được xây dựng trên cơ sở các cam kết hiện tại gồm: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định khung về thương mại dịch vụ ASEAN (AFAS); Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA); Hiệp định di chuyển thể nhân ASEAN (MNP); các FTA ASEAN+1 với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand và những nỗ lực hợp tác khác. Cộng đồng ASEAN được xây dựng dựa trên 4 trụ cột gồm: Thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất; Một khu vực kinh tế cạnh tranh; Phát triển kinh tế đồng đều; Hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. |