BP - “Ban Chấp hành (BCH) Đoàn xã Tân Tiến có 13 thành viên,ĩatigravenhđồngvốkèo nhà cái chuan mỗi thành viên tự nguyện đóng góp 1/3 tiền xăng phụ cấp và tiền hoa hồng từ vốn vay ngân hàng chính sách trích cho hằng tháng để tạo vốn hỗ trợ thanh niên khó khăn. Sau 2 năm, chúng em tích lũy được 24 triệu đồng. Số tiền này, chúng em hỗ trợ 4 thanh niên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn chăn nuôi dê theo hình thức xoay vòng. Mặc dù đồng vốn ít ỏi nhưng nghĩa tình anh em trong các chi đoàn thôn, ấp thêm bền chặt. Đặc biệt, thanh niên lầm đường lạc lối cũng được chào đón trên tinh thần đoàn kết, cởi mở và thân thiện để giúp nhau vươn lên trong cuộc sống” - chị Cao Thị Thắng, Bí thư Đoàn xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp cho biết. NGHỊ LỰC SAU PHÚT SAI LẦM Anh Trương Văn Năm (dân tộc Nùng) sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em ở tỉnh Cao Bằng. Dù đến tuổi đi học nhưng anh chưa một lần được đến trường, rồi theo cha mẹ vào ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến (Bù Đốp) lập nghiệp năm 1996. Đến vùng đất mới, kinh tế gia đình rất khó khăn nên anh Năm ở nhà phụ giúp cha mẹ việc đồng áng. Cuộc sống cứ thế trôi qua ở vùng đất biên giới xa xôi. Năm 2005, anh lập gia đình khi vừa tròn 20 tuổi. Năm 2006, con đầu lòng mới được 1 tháng 8 ngày thì anh bất ngờ rơi vào vòng lao lý. Anh Trương Văn Năm tự tin với vườn tiêu 700 nọc sau 6 năm nỗ lực gây dựng Anh Năm nhớ lại, khoảng giữa tháng 6-2006, một người trung niên tìm đến nhà gửi cho anh gói quà màu đen nhờ cất giùm. Vì là đồng hương nên anh nhận lời mà không chút đắn đo, suy nghĩ. Sau khoảng 1 tuần, ngày 29-6-2006, bất ngờ công an hình sự ập đến bắt anh ngồi yên tại chỗ và hỏi gói quà hôm trước có người gửi để ở đâu. Anh Năm chỉ trên bàn rồi sau đó phải tra tay vào còng theo các trinh sát đến cơ quan điều tra. Chứng kiến cơ quan điều tra mở gói quà, anh mới biết lâu nay mình đang tàng trữ ma túy. Sau đó, anh Năm bị kết án tù vì tội tàng trữ, mua bán chất ma túy. Tham gia cải tạo tốt trong trại giam, ngày 30-8-2011, anh được đặc xá trước thời hạn trở về đoàn viên với gia đình ở ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến. Sau 1 ngày ra trại, anh đi làm phụ hồ từ sáng sớm đến 12 giờ đêm để kiếm tiền bù đắp cho vợ con trong những tháng năm cải tạo trong tù. Ngày không phụ hồ, anh đi lượm phân bò, phân trâu để bán. Hơn 1 năm sau đó anh mới dựng được căn nhà ván chừng 40m2trên 3 sào đất của cha mẹ cho ra ở riêng. Tiếp tục phụ hồ, nhặt phân trâu, anh dành dụm được ít tiền để đầu tư trồng 120 nọc tiêu. Không có tiền mua lưới che vườn tiêu trong những năm đầu kiến thiết cơ bản, anh đi cắt cỏ về che mát hồ tiêu. Không có tiền mua phân bón, anh tiếp tục đi nhặt phân bò, phân trâu về bón cho vườn cây. Sau 6 năm kể từ ngày ra trại, anh gây dựng được 700 nọc tiêu. ĐIỂM TỰA TỪ TỔ CHỨC ĐOÀN Đoàn xã Tân Tiến có 13 chi đoàn. Năm 2013, các thành viên trong BCH đưa ra sáng kiến trích 1/3 kinh phí hỗ trợ tiền xăng xe và hoa hồng từ vốn vay ủy thác của ngân hàng chính sách để tạo vốn cho đoàn viên. 2 năm thực hiện, BCH dành dụm được 24 triệu đồng để mua dê sinh sản xây dựng 4 mô hình chăn nuôi trong đoàn viên, thanh niên theo hình thức xoay vòng. Mỗi mô hình được chăn nuôi trong 2 năm, sau đó luân chuyển cho người khác, đồng thời hỗ trợ thêm 1 dê con. Năm 2016, từ 4 con dê ban đầu của BCH được nhân lên 8 con sau 2 năm chăn nuôi. “Ra tù hôm trước, hôm sau tôi đi làm ngay. Con đường dẫn về nhà lúc ấy cũng lạ. Đi làm về khuya sợ lắm, sợ ma, sợ người ta nghi ngờ tôi mới ra tù sao lại đi đêm. Thế nhưng tôi sai thì phải chịu, phải tự vươn lên chứ mặc cảm có được gì đâu. Cũng từ cái sai ấy bây giờ tôi mới rút ra được bài học ai gửi cái gì phải tìm hiểu thật kỹ trước khi nhận, nhất là ở bến xe, nhà ga, nhà chờ ở sân bay. Cũng may tôi có các bạn đoàn viên, thanh niên động viên, hỗ trợ, giúp đỡ mọi mặt để vươn lên trong cuộc sống”. Trương Văn Năm, ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến |
Nhằm giúp thanh niên lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, tháng 6-2016, BCH Đoàn xã Tân Tiến chuyển 8 con dê cho anh Trương Văn Năm chăn nuôi trong vòng 2 năm. Sau 1 năm, đàn dê của anh hiện có 25 con mặc dù trước đó anh đã xuất bán 8 con được 16 triệu đồng để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc vườn tiêu. Điều quan trọng hơn là từ đây anh không phải đi nhặt phân bò bón cho vườn tiêu vì đã có nguồn phân dê thay thế. Trong tổng số 330 đoàn viên, thanh niên của xã Tân Tiến có 21 thanh niên hoàn cảnh khó khăn và 3 thanh niên thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng. Sau 4 năm triển khai thực hiện, mô hình chăn nuôi dê xoay vòng bằng vốn đóng góp của các thành viên BCH Đoàn xã Tân Tiến đã giúp 4 thanh niên thoát cảnh túng khó. Đặc biệt đã giúp 1 thanh niên lầm đường lạc lối tái hòa nhập cộng đồng một cách thân thiện, tự tin vươn lên trong cuộc sống. Bí thư Đoàn xã Tân Tiến Cao Thị Thắng cho biết: Từ mô hình chăn nuôi dê đã giúp đoàn viên, thanh niên ở các chi đoàn thôn, ấp tham gia sinh hoạt tích cực hơn. Cùng với việc xây dựng mô hình kinh tế, Đoàn xã Tân Tiến còn đề xuất các chi đoàn thuộc khối trường học tăng cường đoàn viên là học sinh về tham gia sinh hoạt cùng chi đoàn thôn, ấp nơi cư trú. Lực lượng này vừa trẻ vừa có kiến thức, kỹ năng sinh hoạt nhóm, thuyết trình rất tốt. Nếu kết hợp lực lượng này với bí thư chi đoàn ở các thôn, ấp sẽ giải quyết được tình trạng sinh hoạt đoàn còn hình thức, nghèo nàn như hiện nay. Đông Kiểm |