Cán bộ y tế TP Cà Mau hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch bệnh.Theo thống kê từ Trung tâm Y tế TP Cà Mau, trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay có 114 ca mắc sốt xuất huyết, 467 ca tay - chân - miệng. Ngành y tế đã phát hiện 14 ổ dịch sốt xuất huyết nằm rải rác ở hầu khắp các xã, phường, do vậy, công tác phòng chống dịch bệnh đang là vấn đề hết sức quan trọng. Hiện nay đã chính thức bước vào mùa mưa, nắng nóng kết hợp với những trận mưa lớn trên diện rộng làm cho môi trường thêm ẩm ướt. Ðây là thời điểm các loại dịch bệnh rất dễ bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp chủ động phòng tránh kịp thời.
Ðể phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế thành phố đã tổ chức phun hoá chất diệt muỗi tại 86 điểm trường trên địa bàn, đã góp phần làm giảm số ca mắc mới. Dự báo dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm, Bác sĩ Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa TP Cà Mau, khuyến cáo: “Sốt xuất huyết và viêm não Nhật Bản B là do muỗi truyền, chúng ta có thể tránh được bằng cách ngủ mùng, dùng nhang xua muỗi và dọn dẹp xung quanh nhà sạch sẽ để muỗi không nơi cư trú, không nơi sinh nở. Bệnh viêm não Nhật Bản B hiện tại có thuốc tiêm ngừa cho trẻ, chúng ta phải đưa trẻ tiêm ngừa theo đúng lịch của trung tâm y tế dự phòng. Bệnh tay - chân - miệng chưa có thuốc ngừa, nhưng chúng ta có thể ngừa được bằng cách rửa tay bằng xà phòng, ăn uống vệ sinh”. Với khẩu hiệu: “Không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết và vi-rút Zika”, Trung tâm Y tế thành phố đã tổ chức lễ phát động ra quân diệt muỗi, diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng phòng bệnh sốt xuất huyết và vi-rút Zika năm 2016. Ðồng thời, yêu cầu mỗi giáo viên, phụ huynh và học sinh làm cầu nối tuyên truyền, vận động gia đình và cộng đồng tích cực tham gia chiến dịch diệt muỗi dựa vào cộng đồng, nhân viên y tế còn xuống từng hộ dân phát tờ rơi hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết và vi-rút Zika. Bác sĩ Tô Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Cà Mau, cho biết: “Trung tâm chuẩn bị một số cơ số thuốc, hoá chất để phục vụ cho công tác dập dịch. Ngoài ra, còn tăng cường công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường tại 17 xã, phường”. TP Cà Mau được xem là tâm điểm bệnh tay - chân - miệng của tỉnh Cà Mau. Ngành y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ y tế để phòng, chống bệnh, củng cố lại đội xử lý dịch tại Trung tâm Y tế thành phố và các đội phòng chống dịch ở các xã, phường. Ðồng thời, dự trù hoá chất và máy phun để phòng, chống khi dịch xảy ra. Bí thư Thành uỷ Cà Mau Hồ Trung Việt chỉ đạo: “Lúc này đang thời điểm giao mùa, cho nên ở tất cả các xã, phường, đảng uỷ, UBND phải tập trung chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, phải tuyên truyền sâu rộng để người dân có tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống các bệnh thông thường xảy ra”. Theo dự báo của ngành chức năng, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp vào thời điểm giao mùa, trong đó có bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết. Ngành y tế thành phố đang đẩy mạnh giám sát và công tác truyền thông để mọi người dân hiểu, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý dịch bệnh kịp thời. Hiện Trung tâm Y tế thành phố hướng dẫn cách phát hiện và phòng 4 loại bệnh đang có nguy cơ bùng phát thành dịch đó là: bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, cúm A (H5N1) và bệnh sởi, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, về công tác phòng, chống dịch bệnh ở người. Thông qua đó giúp các hộ dân nắm được những kiến thức cơ bản về nguyên nhân gây bệnh và cách phòng, chống một số dịch bệnh, để mỗi người dân là những tuyên truyền viên tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, nêu cao ý thức phòng bệnh, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng./. Bài và ảnh: Ninh Hải |