Thực hiện chức năng Tổng Kế toán Nhà nước và theo quy định của Luật Kế toán năm 2015, Nghị định 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ, năm 2019 là năm đầu tiên KBNN thực hiện BCTCNN cho năm tài chính 2018. Toàn bộ hệ thống KBNN đã tập trung cao độ vào việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai nhiệm vụ này. Về xây dựng các văn bản pháp lý, việc xây dựng khung khổ pháp lý cho việc lập BCTCNN đã được Bộ Tài chính bắt tay triển khai từ khi phê duyệt Đề án Tổng kế toán Nhà nước và đến năm 2018 đã cơ bản hoàn thành. Riêng trong năm 2019, KBNN đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính ban hành các công văn hướng dẫn chi tiết về BCTCNN cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Cụ thể: Các văn bản hướng dẫn đơn vị dự toán cấp 1 ở địa phương, ở trung ương, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các đơn vị đặc thù như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong hệ thống KBNN về việc triển khai lập BCTCNN năm 2018, giải đáp một số vướng mắc trong quá trình lập BCTCNN và hướng dẫn lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2018. Về hệ thống thông tin, từ năm 2018, các đơn vị thuộc KBNN đã tích cực xây dựng hệ thống thông tin, đặc biệt là xây dựng quy trình nghiệp vụ tiếp cận báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị. KBNN cũng phối hợp thực hiện kiểm thử người sử dụng, thí điểm các chức năng của hệ thống. Đồng thời hỗ trợ các đơn vị cung cấp thông tin và các đơn vị KBNN triển khai sử dụng hệ thống. Với những nỗ lực của các đơn vị thuộc cơ quan KBNN, từ ngày 10/6/2019, hệ thống KBNN đã chính thức vận hành chức năng tiếp nhận thông tin tài chính trên cổng của Hệ thống Tổng Kế toán. Sau đó, đến ngày 22/7/2019 chính thức vận hành chức năng xử lý nghiệp vụ, tổng hợp BCTCNN. Là một nhiệm vụ mới, đâu là khó khăn và thuận lợi của KBNN khi thực hiện BCTCNN, thưa ông? Tổng Kế toán Nhà nước là chức năng mới của hệ thống KBNN. Vì vậy, công tác lập BCTCNN sẽ có thuận lợi, đi kèm với đó là nhiều khó khăn. Về thuận lợi, trong quá trình thực hiện, KBNN đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là điều kiện thuận lợi để KBNN có thể hoàn thành đúng kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, các cán bộ làm công tác tổng hợp, lập BCTCNN trên toàn hệ thống KBNN từ Trung ương (Cục Kế toán nhà nước) đến địa phương (Phòng Kế toán nhà nước) đều thể hiện sự quyết tâm, tìm tòi nghiên cứu, trao đổi thông tin để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, việc triển khai lập BCTCNN đầu tiên của KBNN cũng như tại Việt Nam trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn. Do là năm đầu tiên nên đối với cả hệ thống KBNN và các đơn vị bên ngoài đều chưa có kinh nghiệm và hiểu biết sâu về công tác lập BCTCNN. Số liệu thông tin tài chính cũng chưa hoàn toàn đầy đủ, chính xác. Ví dụ như về tài sản công, đặc biệt là tài sản kết cấu hạ tầng chưa đầy đủ, việc theo dõi phân biệt giao dịch trong khối nhà nước cũng chưa được triệt để… Hơn nữa, thời gian chuẩn bị để triển khai không dài, trong khi phải đồng thời xây dựng cơ chế, quy trình, xây dựng hệ thống thông tin, hướng dẫn đào tạo, tập huấn, đôn đốc tổng hợp, lập BCTCNN không nhiều. Các công việc cũng phải thực hiện gối đầu để đảm bảo phù hợp với tiến độ quy định trong Luật, Nghị định. Ông có kì vọng gì về vai trò của BCTCNN đầu tiên của Việt Nam? BCTCNN tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước và lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương. BCTCNN phản ánh thông tin về tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính của Nhà nước (ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước). Đồng thời nó cũng phản ánh tình hình lưu chuyển tiền tệ bao gồm các luồng tiền thu vào, các luồng tiền chi ra từ các hoạt động chủ yếu, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính của Nhà nước. Việc lập và công khai BCTCNN giúp tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của nền tài chính quốc gia, phù hợp với các thông lệ và xu thế hội nhập quốc tế. BCTCNN có ý nghĩa quan trọng trong quản lý kinh tế, tài chính của quốc gia, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng sử dụng. Với mỗi đối tượng này lại có góc nhìn khác nhau về thông tin trên báo cáo tài chính nhà nước để đưa ra những quyết sách phù hợp với yêu cầu của mình. Cụ thể, với các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, BCTCNN là một trong những công cụ phục vụ cho việc phân tích, đánh giá hiện trạng và quản lý toàn bộ các nguồn lực, nghĩa vụ và tình hình sử dụng các nguồn lực của Nhà nước (tài sản công, nợ công, thu nhập, chi phí…). Từ đó đưa ra những phương hướng, giải pháp và các quyết sách phù hợp, đảm bảo các tài sản và nguồn lực của nhà nước được đầu tư, phân bổ và sử dụng một cách hợp lý, cân đối và hiệu quả nhất đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Không những vậy còn giúp quản lý chặt chẽ việc vay nợ, duy trì tính ổn định và bền vững của nhà nước. Còn đối với người dân, BCTCNN giúp người dân thấy được nghĩa vụ đóng góp của mình đối với Nhà nước thông qua nghĩa vụ nộp thuế; giám sát, đánh giá tính hiệu quả của Nhà nước trong việc sử dụng tiền thuế để thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ chính đáng của người dân. Đồng thời , kiểm tra giám sát hoạt động kinh tế - tài chính khác của Nhà nước, đặc biệt là các khoản thu nhập (ngoài các khoản thu từ thuế), chi phí của Nhà nước, nợ công và việc quản lý, sử dụng tài sản công. Đối với các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư, các nhà tài trợ, BCTCNN là thước đo tin cậy để tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức xếp hạng đánh giá năng lực, sự tín nhiệm đối với nền tài chính quốc gia. Đây là một trong các yếu tố cơ bản giúp cho các nhà đầu tư, các nhà tài trợ trong việc ra quyết định đầu tư, hỗ trợ cho các địa phương nói riêng cũng như cho cả nền kinh tế nói chung. Xin cảm ơn ông!
|