【số liệu thống kê về a.f.c. bournemouth gặp arsenal】Cơ hội cho tôm Cà Mau "vươn mình"
(CMO) Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) phối hợp Trung tâm Thuỷ sản có trách nhiệm (TCRS) của Hoa Kỳ vừa tổ chức giao lưu với chủ đề: “Ngành tôm Cà Mau: Kết nối - giao lưu và chia sẻ”. Buổi giao lưu có sự tham dự của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đến từ các quốc gia: Bangladesh, Bỉ, Anh, Trung Quốc, Costa Rica, Ðan Mạch, Ecuador, Pháp, Ðức, Ấn Ðộ, Indonesia, Nhật Bản, Mozambique, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Colombia, Mỹ.
Xúc tiến thương mại ngay địa bàn sản xuất
Việc tiếp đón, làm việc với đoàn chuyên gia và doanh nghiệp nước ngoài là cơ hội rất tốt để Cà Mau giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh trong phát triển ngành hàng tôm; là dịp để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại ngay tại địa bàn sản xuất và cơ sở chế biến của mình với nhiều nhà mua lớn của thế giới.
Ðến nay, các sản phẩm thuỷ sản của Cà Mau đã có mặt ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu thuỷ sản chiếm 82%, riêng mặt hàng tôm chiếm 72% (gần 1 tỷ USD) kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (chiếm 23,3% cả nước).
Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau tổ chức cho đoàn Trung tâm Thuỷ sản có trách nhiệm của Hoa Kỳ và các chuyên gia, các doanh nghiệp nước ngoài tham quan mô hình nuôi tôm rừng của Công ty TNHH Xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển.
Tiếp các chuyên gia và các nhà mua lớn, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chia sẻ, Cà Mau là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về ngành hàng tôm. Ngành tôm Cà Mau đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình giá tôm đang sụt giảm như hiện nay. Khó khăn là thế, song tỉnh vẫn tự tin về tiềm năng, thế mạnh vùng nuôi cũng như việc chế biến, xuất khẩu tôm, trong đó có thị trường châu Âu. Minh chứng cho điều này là, nhiều vùng nuôi tôm của tỉnh đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, các nhà máy chế biến, xuất khẩu đều trang bị công nghệ hiện đại phục vụ cho xuất khẩu.
"Cà Mau mong muốn các chuyên gia, nhà mua hàng và bạn bè quốc tế chia sẻ các tiến bộ khoa học trong sản xuất con giống, thức ăn, quản lý môi trường, dịch bệnh, quản lý nguồn nước; các công nghệ mới, công nghệ thông minh trong quản lý nuôi tôm. Bên cạnh đó là cơ hội cập nhật xu hướng và nhu cầu thị trường; hợp tác trong nghiên cứu và liên kết thương mại sản phẩm tôm", ông Lê Văn Sử bộc bạch.
Tiềm năng từ ngành tôm Cà Mau
Tiến sĩ George Chamberlain, Chủ tịch Trung tâm Thuỷ sản có trách nhiệm (TCRS) của Hoa Kỳ, chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất thú vị khi được nghe các nhà sản xuất của Cà Mau nói về sản phẩm của họ. Chúng tôi thấy rằng, đây là lúc chúng ta hợp tác cùng nhau, đưa ra những hành động cụ thể và cải thiện những việc còn hạn chế, dựa trên những điều chúng ta xem xét, đánh giá. Tiềm năng để phát triển con tôm của Cà Mau rất lớn, các bạn đang có hệ thống nuôi và chế biến tôm rất chặt chẽ. Chúng tôi cũng đang học hỏi quy trình bảo quản con tôm của các bạn. Chúng tôi thấy rằng, các bạn đang rất nghiêm túc với hình thức nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, ít tác động môi trường. Với hình thức này, con tôm có giá trị cao, mẫu mã đẹp hơn, đó là những giá trị lớn mà mô hình mang lại cho xã hội”.
Ðoàn chuyên gia và các doanh nghiệp nước ngoài đã khảo sát, tham quan thực tế tại nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuỷ sản, hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển. Ðoàn tham quan khu phức hợp công nghệ cao của Công ty Việt - Úc; tham quan vùng nuôi tôm dưới tán rừng, có chứng nhận, của Công ty TNHH Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú và mô hình nuôi tôm tại hộ anh Ung Văn Ðiền (ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển).
Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau tổ chức cho đoàn Trung tâm Thuỷ sản có trách nhiệm của Hoa Kỳ và các chuyên gia, các doanh nghiệp nước ngoài tham quan mô hình nuôi tôm rừng của Công ty TNHH Xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển.
Trước nhu cầu của thị trường ngày càng khắt khe, các tập đoàn, công ty chế biến thuỷ sản trong tỉnh đang tự thay đổi mình, thích ứng để phát triển. Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, chia sẻ, hiện nay Tập đoàn Minh Phú có hàng trăm sản phẩm chế biến từ con tôm. Tập đoàn đẩy mạnh sản xuất hàng giá trị gia tăng, hướng đến xuất khẩu bền vững tại các thị trường khó tính.
Trong quá trình sản xuất, Cà Mau rất quan tâm đến chất lượng nguồn con giống. Ảnh: Phòng Nghiên cứu tảo, Công ty TNHH MTV Việt - Úc.
Ông Serfling Stanley, chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, chia sẻ: “Ngành tôm của Việt Nam vốn đã rất phát triển. Tôi nghĩ, việc tiếp tục cải tiến công nghệ, hợp tác và tham gia vào các chương trình tập huấn toàn cầu là rất quan trọng. Cà Mau có nhiều tiềm năng, các bạn có thời tiết thuận lợi, đất đai tốt, và yếu tố con người nữa. Ngành tôm là ngành cạnh tranh, ở Hoa Kỳ chúng tôi nhập khẩu tôm hầu hết từ các nước châu Á và Việt Nam là một trong những nhà cung cấp lớn nhất. Các công ty thuỷ sản ở đây có cơ sở vật chất rất ấn tượng”.
"Sau khi đoàn được tham quan khu phức hợp công nghệ cao của Công ty Việt - Úc, hộ nuôi tôm theo mô hình sinh thái và các nhà máy chế biến thì mới biết tỉnh đã sản xuất theo quy trình khép kín, là quy trình sạch; thị trường chúng tôi rất cần những sản phẩm như thế", ông Serfling Stanley đánh giá.
Ông Lê Văn Sử đề xuất: "Vì sự phát triển bền vững ngành tôm, chúng ta nên tích cực tìm nhau và liên kết với nhau. Cà Mau sẽ tạo một website và sẽ đăng tải tất cả hình ảnh của chuyến tham quan lần này. Ðồng thời, đây cũng là nơi đưa thông tin của các doanh nghiệp kinh doanh thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, để chúng ta tìm hiểu nhau và tiến tới hợp tác trong thời gian tới”./.
Phú Hữu