Giải ngân mới đạt trên 47% kế hoạch vốn Thủ tướng giao Tổng kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) của cả nước trong năm 2024 đến thời điểm này là hơn 802.443 tỷ đồng (bao gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang). Cụ thể, kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương là gần 677.945 tỷ đồng; các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (theo số liệu cập nhật đến ngày 25/9) là hơn 68.305 tỷ đồng; kế hoạch vốn các năm trước được phép kéo dài tính đến thời điểm báo cáo là hơn 56.193 tỷ đồng. Tổng số vốn đã được các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là gần 733.755 tỷ đồng, đạt hơn 108,2% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Nếu không tính số vốn giao tăng của các địa phương (hơn 68.305 tỷ đồng), thì tổng số vốn đã phân bổ là 665.449 tỷ đồng, đạt 98,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao. Có thể thấy, lượng vốn ĐTC đã được phân bổ chi tiết gần hết, chỉ còn 1 lượng nhỏ vốn (chiếm 1,84% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) chưa được phân bổ do một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc dự kiến bố trí cho các dự án, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch ĐTC trung hạn và cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn nhưng đang trình báo cáo Chính phủ cho phép tiếp tục phân bổ sau ngày 15/5/2024 theo Nghị quyết số 65/NQ-CP của Chính phủ; một số dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) đang điều chỉnh chủ trương đầu tư, đang đàm phán để ký kết hoặc gia hạn Hiệp định… Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, như: Vướng mắc về cơ chế chính sách; vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu… Do đó, dự kiến hết quý III, cả nước mới giải ngân được gần 320.567 tỷ đồng, đạt 42,96% kế hoạch, đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt 47,75% kế hoạch và đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Quyết liệt giải ngân trong quý cuối cùng Tính từ đây tới cuối năm, chỉ còn 3 tháng nữa để thực hiện giải ngân, trong khi nguồn vốn cần phải được hấp thụ hiện còn rất lớn. Hơn nữa, mục tiêu của Chính phủ đặt ra là giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn giao. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với các bộ, ngành, địa phương trong những tháng cuối năm này. Với trọng trách của mình, Bộ Tài chính đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 1006/QĐ-TTg ngày 19/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hàng năm tại đơn vị và địa phương mình quản lý. Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu... Theo Bộ Tài chính, đối với các dự án này, các bộ, ngành, địa phương cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc. Theo ghi nhận thực tiễn, tại nhiều địa phương, nhiều tỉnh, thành cũng đang “tăng tốc” cho chặng nước rút này, phấn đấu đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra. Quảng Ngãi là địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp so với bình quân chung cả nước. Theo đó, đến hết tháng 8 vừa qua, Quảng Ngãi mới giải ngân được trên 21% kế hoạch vốn được giao; ước đến hết tháng 9, tỉnh giải ngân đạt trên 31%. Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đang yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư, UBND các huyện phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, chủ động phối hợp để giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, đặc biệt là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Thường xuyên kiểm tra thực tế hiện trường để đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tranh thủ mặt bằng sạch tới đâu thì triển khai thi công đến đó; xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng theo hợp đồng; tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Đặc biệt, đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (đơn vị chiếm khoảng 40% kế hoạch vốn) của địa phương nên việc chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu đơn vị tập trung quyết liệt, có kế hoạch, giải pháp cụ thể đối với từng dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Trong đó, lưu lý phải ưu tiên giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã bố trí trong năm 2024. Ước đến hết tháng 9, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2024 của tỉnh Khánh Hòa so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 40%; so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế, tỷ lệ giải ngân đạt 44,7%. Hiện, toàn tỉnh có 20 đơn vị đạt mức giải ngân trên 40% kế hoạch vốn giao. Để giải ngân hết nguồn vốn ĐTC tỉnh được giao trong năm 2024, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các chủ đầu tư cam kết giải ngân đạt từ 95% trở lên, đồng thời chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành giải ngân kế hoạch năm 2024 theo Quyết định số 923/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác giải ngân kế hoạch vốn ĐTC. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh các giải pháp đôn đốc thu ngân sách nhà nước năm 2024, đẩy nhanh tiến độ nguồn thu sử dụng đất để đảm bảo nguồn vốn thực tế bố trí cho các dự án thuộc kế hoạch ĐTC năm 2024 theo đúng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao...
|