“Chợ cá” bên bờ sông
Đắng đót giọt phù sa
Cũng không biết từ bao giờ,ểumiềnTâyxứHuếsoi kèo fc dallas cái tên “tiểu miền Tây” xứ Huế được “gán” cho Đông Phú. Cũng ngập nước giống như vùng Càng (Hải Lăng, Quảng Trị), nhưng thôn dân Đông Phú một năm lại có hai mùa: làm lúa và đánh cá. Giọt phù sa từ sông Ô Lâu, chắt chiu từ thượng nguồn núi đá, mùa lũ đổ về bù đắp cho biền bãi ruộng đồng sau một năm lam lũ, nhọc nhằn ươm mầm cho từng cây lúa. Nguồn nước ngọt đổ về cũng giúp thau rửa đồng ruộng, diệt lúa chét, chuột bọ. Bởi thế, như lời các bô lão trong làng Vân Trình, giọt phù sa về với hạ nguồn Ô Lâu cũng mang bao đắng đót phận người!
Hiểu về đắp đê trị thủy, sản xuất nông nghiệp, có lẽ ở làng không ai bằng ông Nguyễn Việt Tiến, Chủ nhiệm HTX Vân Trình. Làm ruộng từ thuở còn đắp đập be bờ bằng tay ngăn lũ tiểu mãn từ sông Ô Lâu tràn vào, bao nhiêu giọt mồ hôi của thôn dân Đông Phú cùng ông Tiến đã nhỏ xuống luống cày. Ông Tiến bảo, toàn xã có 660 ha lúa, nếu kể cả xứ đồng ngoài địa phương thêm 300 ha nữa là gần 1.000 ha. Duy chỉ có 217 ha của 550 hộ dân là nằm trên xứ đồng chạy dọc sông Ô Lâu ngập sâu từ 1-1,5m trong mùa mưa. Từ khi tuyến đê đông- tây Ô Lâu (dài 10km) và tuyến đê ngăn lũ tiểu mãn (dài 5km) được xây dựng, dân làng Vân Trình mới biết canh tác lúa bằng gieo sạ.
Ngư dân Tân Bình thu nhập 400-500 nghìn đồng/ngày nhờ mưu sinh trên xứ đồng ngập nước
Để trồng lúa trên xứ đồng ngập úng mỗi năm, công việc đắp đê trị thủy trở thành “hương ước” của làng. Bình quân mỗi công ruộng 900m2, mỗi hộ dân phải đóng 10kg thóc cho việc đắp đê, ngăn nước tràn từ sông Ô Lâu vào đồng ruộng. Hàng năm, cứ đến mùa lũ tiểu mãn vào vụ hè thu, HTX cùng những bô lão có kinh nghiệm “trị thủy” trong làng đứng ra huy động bà con đắp bao cát dọc Quốc lộ 49B đoạn từ thôn Vĩnh An về làng Siêu Quần để ngăn nước sông Ô Lâu chảy tràn. Những triền đê cũ bằng đất nay đã được thay bằng lớp bê tông cùng máy móc hiện đại thi công. Sau bao nỗ lực của chính quyền, người dân Đông Phú, hiện nay chỉ còn 3,1km tuyến đê bằng đất bao quanh xứ đồng ngập nước. Đập Cửa Lác được xây dựng cũng là thời điểm chấm dứt tình trạng xâm nhập mặn ở đây.
Thiên nhiên khắc nghiệt tạo cho người dân nơi đây một “kỹ năng” ứng phó với “mùa nước bạc” từ thượng nguồn đổ về. Ông Tiến nhớ lại: “Năm 1998, cả xứ đồng mênh mông nước, hai vụ lúa gần như không gieo, cấy được. Các máy bơm dầu, điện ở HTX, trong dân đều huy động cứu đồng. Ròng rã trong nửa tháng trời bơm nước tiêu ruộng, cuối cùng chỉ có 50ha ở xứ đồng Ô Bể là thôn dân Đông Phú “bó tay”. Nông dân Lê Phước Đình (thôn Đông Phú), chỉ tay ra hướng đồng mênh mông nước mà bảo rằng, dân ở đây sống quen theo kiểu “miền tây Nam Bộ”. Cứ đến mùa làm nông nghiệp là đắp đập be bờ, tiêu úng nước nguồn đổ về. Khi cây lúa cuối cùng được gặt, cả vùng lúa chét ngập nước cũng là lúc sắm sửa ngư lưới cụ làm cá.
Thành quả lao động một ngày của ông Lê Chinh
Ông Đình làm lúa ngót nghét 30 năm, “tích lũy” được 2,9ha lúa. Đi khắp xứ đồng trong ngoài tỉnh, vẫn chưa thấy vùng đất nào có mực nước ngập cao đến 1,5m vào giữa mùa mưa như Đông Phú. “Cái giá của hạt phù sa bồi đắp, tẩy rửa nước ngọt cho đồng ruộng là rứa đó. Hạt lúa chưa làm giàu được cho dân làng, nhưng để có nó là cả một “công trình” của xứ Đông Phú mỗi mùa nước bạc về”, ông Đình đúc kết.
Nông dân thành ngư dân
Cứ đến mùa mưa, 217 ha ruộng ở Đông Phú ngập sâu trong nước bạc đã biến vùng ruộng nơi đây thành nơi đánh bắt thủy sản nước ngọt trù phú. Khi mùa lũ về, nước không vội vàng chảy đi mà cứ “nấn ná” trên đồng ruộng, để sau khi dâng tặng hạt phù sa cho ruộng đồng, con nước trở thành nơi sinh sôi cá tôm. Bỗng chốc, người nông dân chân lấm tay bùn, cất máy cày, liềm gặt, trở thành… ngư dân.
Kinh nghiệm bao đời, ngư dân biết thời điểm nào tôm, cá trên vùng ngập nước bắt đầu sinh sôi. Đầu tháng 11, lúa chét trên đồng bị nước bạc đổ về ngâm rã ra, lưới của ngư dân thả xuống đã “bén” tận đáy, lượng cá, tôm đánh bắt càng nhiều hơn. Không đặc thù, kỳ thú như vùng Tây Nam Bộ, nhưng những xứ đồng ngập nước nơi đây mở ra một công việc mưu sinh cho dân ven vùng sông nước. Bởi thế, như lời ông Trần Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình, khác với nhiều nơi ở Huế, dân Đông Phú, Tân Bình lại “mong ngóng những mùa lũ”!
Làng Vân Trình (hay còn gọi làng Rào), là vùng đất thấp hơn mực nước biển 0,5m. Hàng năm, địa phương luôn triển khai các phương án phòng, chống bão, giúp ngư dân nơi đây “sống chung” với lũ mỗi khi nước sông Ô Lâu tràn về Ông Trần Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình |
Với khoảng 100 hộ dân chuyên làm nghề sông nước mỗi khi lũ về, trong làng Vân Trình lại có hàng chục cơ sở đan lưới, cứ đến mùa lũ, nước ngập luống cày, họ lại sắm ngư lưới cụ mặc sức mưu sinh. Ông Hoàng Biết (49 tuổi, thôn Đông Phú), bảo rằng, so với làm ruộng, thời gian ông làm “ngư dân” ngắn hơn, mỗi năm chỉ vài tháng. Nhưng thời “cá nước ngọt lên ngôi” đã cho gia đình ông những chuyến ra vùng nước bạc khấm khá. “Một đêm từ tay lưới hai mươi sải ni tui kiếm được cả chục ký cá tràu, rô, diếc, trê… Mỗi cân giá từ 50-100 nghìn đồng. Trở về là đưa cho vợ xuống chợ Điền Hương bán ngay. Cũng nhờ tôm, cá mà từ mùa mưa lũ đã sắm sang được “tư trang” cho bọn nhỏ lên Huế học”, ông Biết vừa chỉ tay lưới trên mạn thuyền, đôi mắt ánh lên niềm tự hào.
Đánh bắt cá nước ngọt chuyên nghiệp nhất phải kể đến ngư dân làng Tân Bình. Từ khi họ lên tái định cư đến nay, được cấp đất làm nông nghiệp, vẫn theo nghiệp cũ sông nước. Ông Lê Chinh, ngư dân làng Tân Bình bảo rằng, tới mùa thì bà con bám con nước mưu sinh. Hễ là dân Tân Bình, nam phụ lão ấu đều biết chèo ghe, bủa lưới. Vùng nước ngập xứ đồng cá, tôm sinh sôi, cả làng đánh bắt mấy tháng trời không hết. Cá ăn không hết thì mang bán. Cá nhiều quá thì bà con chế biến những món ăn khô, nấu với nhiều thứ rau củ để trữ được lâu ngày trong mùa mưa. “Mỗi ngày đánh bắt, cũng kiếm được 400-500 nghìn đồng. Bởi thế, dân ở đây khi chưa thấy lũ về thì… buồn xo. Đợi lũ như ruộng đợi phù sa rứa!”, ông Chinh vừa nói vừa dẫn chúng tôi lên thuyền.
Đầu tháng 11, nước đã đạt “đỉnh triều”. Cả vùng nước bạc mênh mông trở thành điểm đánh bắt trù phú cho ngư dân, nườm nượp bóng thuyền tung lưới. Ngoài đánh bắt thủy sản, bà con tranh thủ nguồn nước đang dồi dào, ra đồng lượm củi, bắt chuột đồng. Không nơi nào mong ngóng mùa lụt, ngóng hạt phù sa từ thượng nguồn như “tiểu miền Tây” Đông Phú.
Hà Nguyên