【tigres – juarez】Người dân cần bình tĩnh, hợp tác để chống dịch hiệu quả
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế. |
Sau nhiều ngày không ghi nhận số ca mới mắc Covid-19, hiện chúng ta đang phải chạy đua khống chế dịch khi số ca mắc chỉ trong hai ngày đã tăng gần gấp hai lần so với thời gian trước. Vậy ngành Y tế đã có những giải pháp cụ thể nào để ứng phó khi dịch bệnh đang bùng phát diện rộng?
Thời gian qua, trong công tác phòng chống dịch, các cơ quan liên quan mà đặc biệt là ngành Y tế đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Chúng ta đã lường trước các khả năng, đồng thời có kịch bản sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, ngay cả khi có hàng ngàn ca nhiễm bệnh. Điều quan trọng nhất thời điểm hiện tại là chúng ta phải tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch, đó là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh, trong hai ngày qua, các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia và các ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương đã kích hoạt tích cực theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, từ các cơ quan Công an cửa khẩu đến các bộ, ban, ngành và Bộ Y tế trực tiếp tham mưu chuyên môn triển khai phương án khai báo sức khỏe toàn dân qua các nhà mạng để nắm bắt tình hình sức khỏe và khả năng lây lan của bệnh dịch (nếu có).
Đặc biệt, vừa qua Bộ Y tế đã chính thức vận hành Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19 nhằm kết nối mạng lưới các cơ sở khám chữa bệnh có khả năng thu dung chẩn đoán và điều trị người bệnh Covid- 19 để hỗ trợ kịp thời trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Trong trường hợp bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh có điều trị người bệnh Covid-19, Trung tâm điều hành sẽ thiết lập điểm cầu để đảm bảo việc giám sát, hỗ trợ từ xa về chuyên môn chẩn đoán điều trị người bệnh Covid-19 tại chỗ.
Trung tâm này ra đời hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên không cần thiết. Xây dựng hệ thống thông tin giám sát tình hình dịch bệnh, ghi nhận diễn biến từng ca bệnh lâm sàng tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở xét nghiệm.
Tại các cơ sở điều trị, Bộ Y tế vẫn yêu cầu thực hiện phương châm 4 tại chỗ: “cách ly tại chỗ”, “điều trị tại chỗ”, “nguồn lực tại chỗ” và “chỉ huy tại chỗ”. Cùng với các biện pháp rất tích cực, tập trung phát hiện sớm, điều trị và cách ly tất cả các trường hợp người bệnh có biểu hiện đến từ vùng dịch, có triệu chứng bệnh. Khi đến cửa bệnh viện khẩn trương cách ly, dự phòng để tránh lây nhiễm, tránh tử vong cho người mắc Covid-19.
Để tránh dịch lây lan khó kiểm soát, vai trò của công tác cách ly, kiểm soát y tế và ý thức của người dân trong phòng chống dịch sẽ rất cần thiết, thưa ông?
Trong phòng chống dịch Covid-19, việc kiểm soát ca bệnh xâm nhập, cách ly người nghi nhiễm và nhiễm có vai trò tối quan trọng. Chẳng hạn, tại Hà Nội, ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, TP Hà Nội đã thực hiện quyết liệt trong vấn đề khẩn trương xác minh tất cả những người tiếp xúc trực tiếp F1, F2 đối với các trường hợp dương tính với Covid-19. TP Hà Nội cũng làm rõ được những người tiếp xúc gần F1, F2, F3; lịch trình sinh hoạt của các bệnh nhân; biết đến đâu cách ly đến đó, xử lý rất triệt để.
Về phía người dân, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin tốt về công tác phòng chống dịch song theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn còn thông tin chưa tốt, ảnh hưởng đến tình hình chống dịch chung.
Để góp phần vào thành công trong công tác chống dịch, người dân nên tin tưởng vào hệ thống y tế, vào sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, từ đó hạn chế những thông tin tiêu cực, tăng dần thông tin tích cực chung tay phòng chống đại dịch này ở Việt Nam và trên thế giới. Đồng thời, người dân cần tự giác, bình tĩnh cùng hợp tác, cùng chung tay với Chính phủ, với ý thức cao nhất về sức khỏe chung của cộng đồng để có những hành động thiết thực nhất phòng chống dịch Covid-19.
Trong công tác phòng chống dịch, còn hạn chế nào mà chúng ta cần khắc phục, tránh bỏ sót các đối tượng nghi ngờ, thưa ông?
Quan điểm của ngành Y tế là không chỉ tập trung vào một trường hợp nhiễm bệnh mà địa phương nào đã có ca mắc bệnh phải quyết liệt trên địa bàn toàn tỉnh, không để "lọt" trường hợp mắc, gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Vì thế, với trường hợp nghi ngờ các địa phương cần huy động cán bộ y tế cơ sở đi lấy mẫu để xác định tình trạng bệnh. Tất cả các khu có trường hợp dịch bệnh đều phải được tổ chức phun khử khuẩn. Xác định tất cả các trường hợp dương tính phải khẩn trương xác minh, lưu ý ưu tiên cho những người già.
Về phía cơ quan quản lý, chúng ta cũng phải rà soát lại tất cả các hướng dẫn, hoàn thiện để có các hướng dẫn chính xác, đơn giản, dễ hiểu nhất giúp người dân hiểu rõ về dịch bệnh, những việc cần làm, những việc không được làm để chống dịch.
Chúng ta phải sử dụng tất cả các phương tiện từ công nghệ thông tin cho đến áp phích, truyền thông đại chúng sao cho mọi người dân được biết, được hướng dẫn trong mọi tình huống, từ nhà ra ngoài đường, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chỗ đông người vào nhà hàng, siêu thị, đi làm ở công sở, nhà máy.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng mong mỏi sự vào cuộc quyết liệt, nỗ lực của các thầy thuốc, sự hợp tác của người bệnh, đồng lòng của người dân với tinh thần "chống dịch như chống giặc”, “không được chủ quan, không để dịch lây lan” để nhanh chóng khống chế dịch.
Xin cảm ơn ông!