LAN TỎA NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Năm 2015-2016,ệpcocircngnghệcaogoacutepphầnđổimớkq bđ y khi khái niệm nông nghiệp công nghệ cao còn khá mới với nhiều người dân thì ông Nguyễn Vũ Thọ ở thôn Phú Thành, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long đã đầu tư 2 tỷ đồng thực hiện mô hình trồng rau, quả trong nhà màng với diện tích 4.000m2. Học hỏi được kỹ thuật canh tác ở nhiều nơi nên ông Thọ tin vào hướng sản xuất mới.
Ông Nguyễn Vũ Thọ (phải) ở thôn Phú Thành, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lưới
Ông Thọ cho biết: “Chi phí ban đầu để đưa công nghệ vào sản xuất tốn kém nhưng hiệu quả mang lại rất lớn và khắc phục được những hạn chế ngành nông nghiệp đang gặp phải. Sản xuất ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nên việc kiểm soát dịch bệnh dễ dàng hơn, sản phẩm làm ra an toàn, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường”. Sau một thời gian chuẩn bị, đầu năm 2017, ông Thọ bắt đầu xuống giống dưa lưới. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay gia đình ông đã mở rộng diện tích lên 6.000m2; cứ 3 tuần thu hoạch một lần, từ 3,5-4 tấn dưa. Với giá bán trung bình từ 28-30 ngàn đồng/kg, năm 2018 ông Thọ lãi gần 1 tỷ đồng. “Hạt dưa không gieo trực tiếp xuống đất mà trồng trong giá thể xơ dừa đã qua xử lý, giúp cây tránh tiếp xúc với vi sinh vật có hại trong đất. Phân bón được hòa tan trong nước tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Đây là hệ thống tưới tự động nên tiết kiệm nước và giảm được chi phí nhân công” - ông Thọ chia sẻ. Được trồng đúng quy trình theo công nghệ sạch, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật nên vườn dưa của gia đình ông Thọ cho năng suất cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và đầu ra ổn định. Năm 2018, sản phẩm dưa lưới của hộ ông Thọ được kiểm định, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Thọ không trồng một giống dưa nhất định mà sản xuất theo đơn đặt hàng nên thu hoạch đến đâu thương lái thu gom hết đến đó.
Toàn tỉnh hiện có 107 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã, trong đó, 68 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 54 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi được chứng nhận VietGAP. Trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản, toàn tỉnh hiện có 435 cơ sở và doanh nghiệp kinh doanh, chế biến hạt điều. Đa số đã đưa cơ giới hóa, tự động hóa vào các khâu phân cỡ, tách nhân, bóc vỏ lụa, sấy khô và đóng gói. Một số cơ sở đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO, HAPCAP với 90% công đoạn thực hiện tự động hóa. |
Bình Phước hiện có khoảng 100 ha nhà lưới, nhà màng trồng rau, hoa, quả. Trong đó có khoảng 50 ha nhà màng ứng dụng phương pháp canh tác tiên tiến để trồng dưa lưới và 1 ha trồng rau thủy canh. Toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao với tổng diện tích 590 ha; 92 trại heo, gà có hệ thống làm lạnh, tự điều chỉnh nhiệt độ, sử dụng máng ăn bằng silo và hệ thống nước uống tự động.
Ông Ngô Việt Tiến, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long nuôi gà theo hướng VietGAP đã 7 năm nay và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ 1 trại nuôi 10.000 con, đến nay ông Tiến đã phát triển lên 3 trang trại với 74.000 con gà. Ông cũng là người đặt nền móng cho phong trào nuôi gà ở xã Thanh Lương - vựa gà của tỉnh. Mỗi lứa gà nhập về ông đều có sổ theo dõi quy trình sử dụng thuốc phòng bệnh, đồng thời xây dựng chuồng hở, sử dụng đệm lót sinh học và thức ăn chăn nuôi thân thiện với môi trường nên suốt 7 năm gắn bó với nghề nuôi gà, chưa khi nào trang trại của ông Tiến xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ gà sống cao và đầu ra sản phẩm luôn ổn định.
HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian qua, phong trào sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ và công nghệ cao phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân, qua đó đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần có sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Ở lĩnh vực sản xuất này, chi phí đầu tư ban đầu lớn, người dân cần tính toán kỹ, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để đảm bảo cung - cầu. Thời gian tới, ngoài hỗ trợ xây dựng mô hình ở các địa bàn trong tỉnh, ngành sẽ tập trung xây dựng các mô hình tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh làm hạt nhân liên kết phát triển ra vùng sản xuất. Trước mắt, ngành sẽ tập trung xây dựng hoàn chỉnh Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Xoài làm cơ sở phát triển các khu khác theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi, phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, phối hợp các ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách và các quy định hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như chính sách cho thuê đất, ưu đãi về thuế, vay vốn...
Trại gà của gia đình ông Ngô Việt Tiến ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long sử dụng đệm lót sinh học và thức ăn chăn nuôi thân thiện với môi trường nên không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ sống cao, đầu ra sản phẩm ổn định
Ông Nguyễn Vũ Thọ hiến kế, trong thời đại 4.0, để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao bền vững cần có sàn giao dịch thương mại điện tử do cơ quan nhà nước làm chủ quản. Trang web này phải được quản lý chặt chẽ, những người có đủ điều kiện mới được tham gia, để hạn chế các đối tượng làm ăn “chụp giật”, mất uy tín ảnh hưởng đến thương hiệu chung của nông sản Bình Phước.
Minh Luận